Trong 2 tháng đầu năm, ngành dầu khí phải đối mặt với biến động của giá dầu thế giới tiếp tục phức tạp, giá ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường phân bón giảm giá mạnh, tồn kho cao.
Dù vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vẫn tiếp tục bám sát các mục tiêu quản trị, quyết liệt chỉ đạo các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ngay từ những ngày đầu tháng, đầu năm; tập trung tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tận dụng, khai thác tối đa các động lực, cơ hội, dư địa tăng trưởng, nỗ lực cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; song song đó là quản trị biến động, kiểm soát và quản trị rủi ro.
Trong 2 tháng đầu năm, việc duy trì sản lượng khai thác dầu khí được cho là hết sức khó khăn do trong quý 1 là mùa “cửa sổ” thời tiết không thuận lợi cho hoạt động, không có các giếng khai thác mới bổ sung, trong khi đà suy giảm sản lượng tự nhiên tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do nhiều mỏ dầu khí lớn ở vào giai đoạn cuối đời mỏ.
Petrovietnam và liên danh Marubeni - WTO ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Lô B
Tuy nhiên, Petrovietnam đã tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành, tiết giảm chi phí, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, nâng cao hệ số thu hồi dầu… để hạn chế đà suy giảm sản lượng tự nhiên, cùng với đó là tiếp tục nỗ lực bám sát, thúc đẩy các dự án đầu tư thăm dò, khai thác.
Kết quả, sản lượng khai thác dầu thô đạt 1,7 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm, vượt 12,2% so với kế hoạch.
Sản xuất các sản phẩm khí, điện, đạm, xăng dầu… duy trì ở mức cao. Trong đó, sản xuất điện đạt 3,63 tỷ kWh, vượt 13,4% so với kế hoạch, tăng 45,6% so với cùng kỳ; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn) đạt 1,13 triệu tấn, vượt 11,9% kế hoạch, tăng 9,5% so với cùng kỳ; sản lượng khí đạt 1,20 tỷ m3, vượt 11,1% so với kế hoạch, sản xuất đạm đạt 306,7 nghìn tấn, vượt 10,3% kế hoạch, tương đương mức thực hiện cùng kỳ.
Các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam không chỉ hoàn thành vượt mức cao so với kế hoạch mà còn tăng trưởng, mặc dù giá dầu và sản lượng khai thác dầu thô giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 125,6 nghìn tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn (không bao gồm Nghi Sơn) ước đạt 19.600 tỷ đồng vượt 45% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ.
Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng toàn Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch lãnh đạo Petrovietnam cũng yêu cầu các đơn vị tập trung phấn đấu, kiểm soát rủi ro đạt kết quả cao nhất theo mục tiêu quản trị để bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững.
Kiểm tra bảo dưỡng thiết bị Tổ máy 1 NMNĐ Vũng Áng 1
Cụ thể, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo duy trì sản lượng khai thác; tối ưu hiệu suất, công suất tại các nhà máy phù hợp với các điều kiện kỹ thuật và gia tăng hiệu quả; khẩn trương triển khai giải pháp, đánh giá thị trường để giảm tồn kho phân bón, tối ưu nguyên liệu sản xuất, hoạt động kinh doanh; tăng tỷ trọng sử dụng những dịch vụ trong ngành, đặc biệt là ở lĩnh vực thăm dò, khai thác; rà soát mô hình, quản trị danh mục, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, thúc đẩy công tác đầu tư của Tập đoàn; chuẩn bị tốt các công việc cho mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới; rà soát các nhiệm vụ trong các kỳ giao ban để đôn đốc triển khai theo đúng tiến độ;…
Nhiệm vụ trọng tâm được Petrovietnam tập trung triển khai xuyên suốt trong năm 2023 là thúc đẩy các giải pháp để tăng tốc chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn, dùng công cụ, công nghệ số để dịch chuyển mô hình kinh doanh, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng “văn hóa số” và chuyển đổi các văn phòng điện tử thành “văn phòng số”; Triển khai đồng bộ đề án dịch chuyển năng lượng, tập trung đẩy mạnh đánh giá, hoàn chỉnh chiến lược dịch chuyển năng lượng của Tập đoàn, cũng như đề án làm chủ công nghệ và triển khai các dự án năng lượng ngoài khơi; Nâng cao chất lượng, hiện thực hóa, phát triển hệ sinh thái Petrovietnam, đặc biệt là công tác liên kết chuỗi, tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị trong Tập đoàn, triển khai tích cực các chuỗi hiện hữu và biến các cơ hội tiềm năng thành các chuỗi hiệu quả trong hệ sinh thái của Tập đoàn.