Già làng A Ren bên lễ vật để chuẩn bị cho việc cúng Yàng
Người dân tộc Rơ Mâm ở làng Le, huyện Sa Thầy là một trong 7 dân tộc thiểu số có dân số ít nhất với 526 khẩu và 178 hộ. Họ sinh sống và tồn tại chủ yếu chăn nuôi với trồng trọt.
Với quan điểm của người Rơ Mâm ngày xưa rằng để có cái ăn hằng ngày phải vào rừng tìm kiếm các loại thực vật để có thể ăn được như cây, củ, quả lót dạ nhưng về sau họ bắt buộc phải canh tác trên đất rẫy của mình bằng việc trồng lúa để sinh sống.
Người Rơ Mâm chuẩn bị nhiều tiết mục biểu diễn trong suốt thời gian 3 ngày
Giống lúa của tộc người Rơ Mâm trồng trên rẫy có hạt to và chắc, hằng năm vào tháng 5 mỗi người dân trong làng Le đều lên rẫy gieo giống lúa xuống phần diện tích của mình cho đến tháng 11 bắt đầu thu vụ. Với quan niệm người Rơ Mâm xưa để lại, lúa khi thu hoạch xong phải đóng bao đem về chất ở kho.
Kho lúa của người Rơ Măm có kết cấu bình thường với 6 trụ chính mái lợp bằng lồ ô theo kiểu âm dương, riêng sàn và vách được lấy từ thân cây lồ ô sau khi chế tác nhỏ gọn.
Tiết mục cồng chiêng chào mừng lễ hội
Điểm nhấn ở phần cửa kho lúa của người Rơ Mâm là luôn làm quay về hướng mặt trời mọc vì theo quan niệm hướng mặt trời mọc là hướng của thần linh, của sự may mắn, còn hướng mặt trời lặn là hướng của ma, của sự xui xẻo.
Vào ngày thu hoạch lúa tại các rẫy riêng từng hộ, mỗi hộ phải làm một bàn thờ và một cây neo để cúng thần linh. Sau khi làm lễ xong, chủ rẫy phải cắm cây neo ở nơi có lúa tốt, bông lúa trĩu hạt rồi chủ nhà sẽ lấy một ống tre bỏ một phần đất rẫy cho đầy ống, sau đó bỏ lên dàn cúng đã được dựng trước đó, người Rơ măm quan niệm rằng lấy đất bỏ vào đầy giỏ mong cho lúa chất đầy kho.
Đốt lửa chào mừng lễ hội
Để chuẩn bị cho lễ hội mở cửa kho lúa, người Rơ Mâm có 2 hình thức để cúng Yàng. Nếu làm riêng từng hộ thì chủ hộ phải chuẩn bị 1 con gà trắng, thịt heo, mây đắng, cá suối, rau rừng rồi cúng cho thần linh theo nghi lễ tại rẫy lúa và nhà riêng. Còn làm lớn hơn là chủ lễ (già làng) phải xem ngày và thông báo với Yàng về việc dân làng chuẩn bị tổ chức lễ hội.
Theo Già làng A Ren, Lễ hội mở kho lúa của làng được chia làm phần trong 3 ngày với các lễ vật như dê trắng, dê đen, gà trắng, gà đen, trâu trắng và trâu đen đem tới nhà Rông truyền thống để làm vật hiến tế cho Yàng.
Ngày thứ nhất, mình làm lễ nghi thức mở cửa kho lúa, ngày thứ hai - lễ chính thực hiện nghi thức đâm trâu và ngày cuối cùng là nghi lễ ăn đầu trâu.
Kho lúa tại rẫy của người Rơ Mâm
Trong đó, quan trọng nhất phần lễ thứ hai với việc mình phải khấn: "Hôm nay dân làng làm lễ mở cửa kho lúa, làng có ăn trâu, đây là con trâu của Yàng, xin Yàng hãy vui lòng nhận lấy và hãy giúp đỡ chúng tôi có nhiều trâu hơn, nhiều lúa nhiều bắp để dân làng được no đủ".
“Lễ mở cửa kho lúa” của dân tộc Rơ Măm ở làng Le mang ý nghĩa hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao. “Lễ mở cửa kho lúa” thể hiện sự hài hòa với thiên nhiên, thần linh và con người với nhau; sự tri ân, cảm tạ của con người đối với vật hiến sinh và thần linh”, Già làng A Ren chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông A Thái- Bí thư, Trưởng thôn làng Le, cho biết rất vui mừng vì lễ hội mở cửa kho lúa năm nay được sự tài trợ của lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum nhằm phục dựng, tôn tạo, duy trì văn hóa của người Rơ Mâm.
“Làng chúng tôi năm nay tổ chức quy mô lớn, nhiều tiết mục biểu diễn gồm cồng chiêng, trống và các loại đàn, sáo... được làm ra từ tre, nứa trong rừng là yếu tố chính tạo dựng nên nền văn nghệ dân gian của cư dân nơi đây”, ông A Thái cho hay.
Có thể nói Lễ mở cửa kho lúa mới của người dân làng Le chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên mong có cuộc sống tốt hơn của đồng bào Rơ Măm.
Đó vừa là khát vọng vừa là nhu cầu hưởng thụ văn hóa, là dịp người dân vui chơi giải trí sau một mùa vụ vất vả, là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ. Thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng góp phần vào sự ổn định, phát triển trong cộng đồng.
Tiến Nhuệ - Hải Dương