Cái đọng lại là tình người. Hoạn nạn đói khổ, chiến tranh chết chóc... chịu đựng nhau, chấp nhận nhau để sống, để tồn tại và trưởng thành...
Sinh năm 1929, tức khi tôi viết bài này thì bà tròn 95 tuổi. Tuổi 95, đa phần nếu còn thọ thì thường là... ngồi một chỗ, thở hổn hển, rên hừ hừ hoặc ho khúng khắng, đến bữa con cháu dỗ đút cháo hoặc yến hoặc sâm, thi thoảng tỉnh táo thì triệu tập con cháu tới kể "ngày xửa ngày xưa". Còn bà Xuân Phượng, cũng 95 tuổi, ngày 24 tháng 9 vừa qua vừa ra mắt cuốn sách thứ 3, nóng hôi hổi.
Tôi không trong thành phần được mời, bởi chưa bao giờ gặp bà, vả có mời thì về lý thuyết cũng không dự được vì tôi ở Pleiku còn bà ở Sài Gòn và tổ chức ra mắt sách tại trụ sở hội Nhà Văn Tp.HCM. Thế nhưng nó lại cơ duyên, trước đấy tôi về Huế giỗ ba, trong lịch là sẽ bay vào Sài Gòn dự cái lễ ra mắt cuốn sách "Chuyện của những dòng sông" và trao giải cuộc thi cũng về sông ấy diễn ra vào ngày 25. Thế thì bay sớm lên một ngày vào kịp dự cái cuộc ra mắt cuốn sách hay của người đàn bà mà mình ngưỡng mộ lại chả là cách tối ưu ư?
Tôi tới bất ngờ, xách một lẵng hoa, ra khỏi thang máy thấy bà đang ngồi miệt mài ký sách giữa rất đông bạn văn vây quanh, tất nhiên họ trẻ hơn bà rất nhiều. Tôi ghé sát bà: Cháu là Văn Công Hùng, cháu mừng cô ạ.
Cô bảo Văn Công Hùng hả, cô cám ơn cháu, ôi yêu quá, rồi cô vuốt má tôi như má vuốt má con. Thực ra ban đầu tôi tính gọi bà là chị, nhưng phát hiện con bà lớn hơn mình, nên đổi sang cô, ngay và luôn.
Dẫu là khách không mời, nhưng nhà thơ Trần Mai Hường, MC chuyên nghiệp của giới nhà văn Sài Gòn vẫn "lôi" tôi lên phát biểu. Thì lên, tôi nhắc, hồi cô ra "Gánh gánh gồng gồng", chị Tuyết Nga, một người đàn bà cũng rất nổi tiếng, lên nhà cô mua mấy cuốn, chị Nga bảo cô Phượng ký tặng một cuốn chị mua cho Văn Công Hùng. Cô Phượng bảo, Văn Công Hùng hả, thì tôi tặng, vì có đọc có biết hắn rồi...
Cô Phượng nghe kể, cười xác nhận.
Rồi nói gì? rằng rất nể cô, con quan, nữ sinh lá ngọc cành vàng, 16 tuổi bỏ nhà theo kháng chiến...
Năm 92 tuổi, uỳnh phát, "nhà văn trẻ", đạo diễn lão thành Xuân Phượng ra cuốn "Gánh gánh gồng gồng" gây sốt văn đàn, cả hai hội Nhà Văn, hội trung ương là hội Nhà Văn Việt Nam và hội Nhà Văn HCM cùng trao giải, một điều rất hiếm xưa nay.
Và tôi đọc ngấu nghiến "Gánh gánh gồng gồng".
Chỉ là cuốn hồi ký cá nhân nhưng hiện lên cả một số phận dân tộc. Nhiều chuyện khủng khiếp, nhiều chuyện không cắt nghĩa được, ngay ở thế hệ mình chứ chưa cần thế hệ con mình, cháu mình.
Một thế hệ nhiều người trác tuyệt. Các nhân vật hiện lên đầy ám ảnh. Tác giả chỉ phác vài nét, thấy hiện lên cả một chân dung hoàn hảo, những là Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Sáng, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Tuân, Trần Đức Thảo, Phan Vũ...
Cuộc kháng chiến chống Pháp được nhìn ở mặt sau, với những đám đông, tác giả với gia đình bé nhỏ của mình, gốc gác cành vàng lá ngọc, lọt giữa đám đông ấy, bơ vơ giữa đông đảo. Đọc mới nhớ đến cái tài của cụ Việt Phương khi phát hiện ra điều ấy, là "bơ vơ đông đảo" ấy. Kinh khủng, nhiều lúc như nghẹn lại với cảnh bà mẹ trẻ vừa làm việc vừa xoay xở với cái gia đình nhỏ, giữa rừng, thiếu thốn đủ bề, và cuối cùng, một mình, đường rừng, đứa lớn ngồi thúng, đứa nhỏ địu sau lưng, đầu kia là mấy con gà, cái xoong quấy bột, cô gái xứ Huế tiểu thư đài các chuyển cả nhà đi không biết phía trước là gì, sẽ đến đâu...
Nguyên cái chuyện đi chân đất để nó... hòa đồng với đám đông đã là cả một cực hình. Lấy giẻ quấn chân, tới lúc tháo giẻ, da lột theo từng mảng. Sau này, khi đã thành bà chủ phòng tranh Lotus nổi tiếng, ra nước ngoài, bạn bên ấy nghe kể đã làm tặng bà một chiếc giày cao gót bằng Socola thượng hạng để bù cho đôi chân trần tuổi 16 của bà.
Người ta cũng thấy cái khí thế bùng nổ của những đoàn quân tiến vào thủ đô tháng 10/ 1954, nhưng đọc cuốn này mới thấy phía sau đấy, những câu chuyện thắt lòng...
Người đàn bà giờ đã 95 tuổi ấy, từng trải qua rất nhiều nghề: Bộ đội Quân khí, bác sĩ, thuyết minh, phiên dịch, nhà báo, đạo diễn, nhà sưu tập, chủ phòng tranh... đã trải qua những tháng ngày đói khổ nhất của một công dân ở một đất nước chiến tranh bom đạn bủa vây, và để rồi cũng vươn lên với rất nhiều thành công...
Cái đọng lại là tình người. Hoạn nạn đói khổ, chiến tranh chết chóc... chịu đựng nhau, chấp nhận nhau để sống, để tồn tại và trưởng thành...
Tác giả là đạo diễn nên cuốn hồi ký này được sử dụng thủ pháp đồng hiện khiến nó liên tục được "giải mã" tạo sự lôi cuốn, bởi quả là, có những chuyện từ mấy chục năm trước, sự liên tưởng không dễ đối với khá đông bạn đọc hiện nay.
Sự ấm áp, khâm phục, sự sẻ chia, nhân ái khiến ta thư thái sau khi buông sách dù nó đầy những xót xa, đau đớn, đầy những mất còn thua được, đầy cả những bi kịch, nước mắt...
Đã bảo, đọc cá nhân cứ thấy hiện lên số phận dân tộc là thế.
Và lần này, lại cũng một cuốn sách đọc hết sức cuốn hút, dù nó chỉ như nhật ký của bà, ghi lại hành trình bà gầy dựng phòng tranh Lotus, rồi biến nó thành một địa chỉ văn hóa nổi tiếng, biến nó thành một kênh ngoại giao văn hóa lừng danh...
Những câu chuyện vui, dí dỏm là chủ yếu, nhưng cuốn hút, khiến ta hết sức nể sức làm việc của người đàn bà lúc này đã trên 80 tuổi.
Cuốn này, bà viết trong... 20 ngày. Một kỷ lục mà rất ít nhà văn đạt được. Mà nó tròn trịa, nó chỉn chu, nó ngồn ngộn tư liệu, và đặc biệt là nó hấp dẫn. Chả thế mà cái hôm ra sách, người đông đúc, chuyện râm ran...
Thêm một chút về bà để kết thúc dẫu chuyện về bà, của bà cả ngày không hết.
Nhận giải thưởng Gánh gánh gồng gồng và chính thức là hội viên hội Nhà Văn năm 2021.
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ cùng cả dân tộc, nhưng bà khổ hơn khi mà 16 tuổi đã rời nhà ở Huế đi kháng chiến, lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1954 hòa bình thì làm đạo diễn phim tài liệu, bám trụ khu bốn, nơi ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại, từ 1967 đã cùng đạo diễn Pháp Joris Ivens làm phim tài liệu "Vĩ tuyến 17- chiến tranh nhân dân".
Năm 1968 cũng với đạo diễn này làm "Cuộc chiến tranh ở Lào"... vân vân, sau đó là hàng loạt phim tài liệu được giải ở các liên hoan phim quốc tế như: "Việt Nam và chiếc xe đạp" (giải Bồ câu bạc LHP quốc tế Leipzig 1974), "Khi tiếng súng vừa tắt" (giải chính thức của BGK LHPQT Leipzig 1976), "Khi những nụ cười trở lại" (Bồ câu bạc LHPQT Leipzig 1978), "Tôi viết bài ca hồi sinh" (giải chính thức LHPQT Leipzig) lại phải vân vân vì không liệt kê hết và cũng không cần liệt kê.
Thì tôi, cũng là một người viết, thua bà chẵn 29 tuổi, là đàn ông, giờ nhiều lúc thấy cũng ọp ẹp mệt mỏi lắm rồi, nói trước quên sau rồi, gặp bà, như nhận từ đấy một nguồn năng lượng, sạch tới tinh khiết, trong veo, để mà rồi thán phục bà. Mà chả mình tôi thán phục, ai gặp bà, đọc bà xong đều thế.
Mà nhé, từ cuốn sách đầu tiên bà viết bằng tiếng Pháp, tới 2 cuốn mới đây, thì đều liên quan tới... đi. Cuốn tiếng Pháp là "Từ tu viện của những loài chim (là cái tu viện Bồ câu trắng Đà Lạt khi bà được gia đình gửi vào đấy học) đến chiến khu Việt Minh" mà khi in ở Pháp bà lấy tên "Áo dài", tới "Gánh gánh gồng gồng" và giờ là "Khắc đi khắc đến", một hành trình đi, liên tục đi của một thiếu nữ 16 tuổi con quan xứ Huế tới 95 tuổi giờ sống giữa Sài Gòn bà vẫn những chuyến đi liên tục, vẫn hoạt động văn chương văn hóa liên tục.
Trong chương trình của hội nghị nhà văn trẻ Tp.HCM vào ngày 10/10 tới đây, bà vẫn được mời trong nhóm các nhà văn nổi tiếng tới dự và phát biểu cùng các nhà văn trẻ. Thấy danh sách có các nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn,Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Nguyễn Duy...
Mấy dòng ngắn này tôi chả thể nào nói hết được về bà, dẫu hết sức quý và kính trọng bà, thôi đành...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời