Một cây xăng tạm ngưng “để nhập xăng dầu” trên tuyến quốc lộ 1 (TP.HCM) - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Kỳ điều hành giá xăng dầu chiều hôm qua 5-9, lùi lại bốn ngày do vướng nghỉ lễ, khiến giá xăng dầu trong nước "lỡ nhịp" so với giá thế giới.
Giá dầu tăng,giá xăng giảm
Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh muộn hơn trong khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh, dẫn đến giá bán trong nước có hiện tượng "đảo chiều". Giá xăng RON92 giảm 366 đồng/lít, về mức 23.359 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 439 đồng/lít, về 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, các loại dầu đều tăng mạnh, dầu diesel tăng 1.429 đồng/lít lên 25.188 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.389 đồng/lít lên 25.445 đồng/lít. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S giảm 471 đồng/kg, về giá 16.077 đồng/kg.
Việc điều chỉnh giá ngày 5-9 chậm hơn bốn ngày khiến giới kinh doanh xăng dầu gặp không ít khó khăn về nguồn cung và chịu thua lỗ do chiết khấu thấp. Đáng chú ý, thay vì tăng giá so với dự báo của kỳ điều hành ngày 1-9, việc giá xăng giảm và giá dầu tăng gần 1.500 đồng/lít như trên khiến giới kinh doanh đã khó lại càng thêm khó.
Một thương nhân phân phối xăng dầu tại miền Bắc cho hay sau kỳ điều hành này mức chiết khấu vẫn chưa có nhiều cải thiện. Đặc biệt với mặt hàng xăng vẫn duy trì chiết khấu là 0 đồng và dầu là từ 250 - 350 đồng/lít tùy vào đầu mối cấp hàng.
Trong khi đó, một thương nhân đầu mối phía Nam cho hay các đại lý, thương nhân phân phối vẫn đang thăm dò thị trường, chưa nhập thêm hàng. Tâm lý thị trường sau kỳ điều chỉnh là muốn chờ đầu mối nào đưa ra mức chiết khấu mới nhập hàng vào, cộng thêm thời gian điều chỉnh giá trong kỳ tới dự kiến vào ngày 12-9, tức là còn sáu ngày nữa, nên doanh nghiệp cũng muốn kéo dài thêm để nhập được nguồn với giá tốt nhất.
"Thị trường vẫn đang ở trạng thái nhìn nhau để chào hàng, do giá điều chỉnh quá thấp. Nhiều đại lý của các thương nhân phân phối vẫn chào giá, cũng có nơi chào với mức chiết khấu là 500 đồng/lít với dầu và xăng là 300 đồng/lít, nhưng thực ra chào giá để giữ khách hàng, chứ chúng tôi gọi đến thì hàng chưa có ngay để cấp", vị này cho hay.
Nhân viên cửa hàng Tuyền Khanh (quận Bình Tân, TP.HCM) liên tục vẫy tay báo hết xăng mỗi khi có khách rà xe vào cửa hàng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Thêm năm doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép
Trong bối cảnh đó, chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với năm doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương.
Năm doanh nghiệp này cũng bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu như bảy doanh nghiệp đã bị xử phạt trước đó, nâng tổng số doanh nghiệp bị tạm ngừng kinh doanh lên con số 12.
Một đại diện có thẩm quyền xác nhận với Tuổi Trẻ việc tước giấy phép với năm doanh nghiệp này là kết quả của hoạt động thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện từ hồi tháng 2-2022. Trong đó việc tước giấy phép là hình thức xử phạt bổ sung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Quyết định đã được gửi theo đường bưu điện nhưng ghi nhận đến chiều 5-9, Bộ Công Thương chưa cập nhật thông tin về việc xử phạt và tước giấy phép các doanh nghiệp trên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.
Một thương nhân phân phối phía Nam cho hay việc rút giấy phép của các doanh nghiệp nếu như không được thông tin rộng rãi, có thể khiến cho các hệ thống bên dưới là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý trực thuộc hoặc mua nguồn từ các đầu mối này bị đứt nguồn.
Trong khi đó, việc tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh cung cầu xăng dầu bất ổn như hiện nay sẽ càng khó khăn hơn và khó có thể tìm được nguồn hàng thay thế. Thực tế này có thể càng khiến thị trường có nguy cơ đổ vỡ hơn, đặc biệt là ở phía Nam khi tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ đang diễn ra trên diện rộng.
"Việc rút giấy phép mà không công bố, trong khi những đơn vị này sẽ có một lượng hàng nhất định vì đã nhập hàng vào rồi, có thể tạo nên góc khuất. Nếu các đơn vị này không tuân thủ đúng quy định về việc tạm dừng hoạt động thì vẫn có thể đẩy hàng ra, trong khi các doanh nghiệp khác không biết được những doanh nghiệp này bị rút giấy phép.
Thực tế này cũng đã diễn ra ở vụ rút giấy phép với bảy đầu mối trước đó, nhiều doanh nghiệp mua hàng từ các đơn vị này phải gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương để hỏi thông tin", một doanh nghiệp bày tỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết doanh nghiệp này vừa mới nghe thông tin sẽ bị tước giấy phép tạm thời, song chưa nhận được văn bản chính thức. Theo vị này, nếu bị tước giấy phép tạm thời và phải ngưng kinh doanh thì hệ thống này sẽ rất khó khăn vì lượng xăng dầu mà doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận rất lớn.
"Nếu ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà bốn doanh nghiệp còn lại cũng có thị phần lớn ở khu vực phía Nam", vị lãnh đạo này cho biết.
Người dân đổ xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM sau điều chỉnh giá chiều 5-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Saigon Petro "cầu cứu" Thủ tướng
Ngày 5-9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước giấy phép để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.
Saigon Petro cho biết nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu "10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".
Tuy nhiên, năm 2021 công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, vì vậy đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định".
Saigon Petro cho rằng hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. Nghị định 95 (sửa đổi nghị định 83, có hiệu lực từ 2022 - PV) có quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu với một trong những điều kiện là "tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".
"Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định", văn bản của Saigon Petro nêu.
Văn bản của Saigon Petro cũng liệt kê hàng loạt hậu quả khi Thanh tra Bộ Công Thương tước giấy phép của công ty, trong đó hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế - xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.
Doanh nghiệp mong thị trường xăng dầu ổn định
Ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM) - cho rằng việc xăng dầu thiếu trước hụt sau ở các cây xăng trong thời gian gần đây là có vấn đề, gây khó cho doanh nghiệp và người dân. Vấn đề không phải là cây xăng "khát" xăng dầu mà do các đầu nậu ghim hàng mỗi khi giá xăng dầu có biến động.
Chẳng hạn ngày 5-9 giá dầu có thể tăng lên 1.500 đồng/lít, thông tin này doanh nghiệp vận tải đã biết trước đó một tuần. "Nếu biết giá tuần sau sẽ tăng, y như rằng trong tuần đó sẽ xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu. Thực tế xăng dầu không thiếu mà do các đầu nậu ghim hàng để chờ điều chỉnh bán chênh lệch, hưởng lợi", ông Thành nhận định.
Đại diện Hiệp hội Logistics TP.HCM cho rằng hiện tượng các cây xăng hết xăng dầu chỉ xảy ra khi sắp tăng giá, nếu thị trường giảm giá thì ít thấy cây xăng dầu nào báo hết hàng. Các công ty vận tải lớn không bị ảnh hưởng bởi tình trạng cây xăng báo thiếu hàng bởi vì có hợp đồng mua bán dầu số lượng lớn và có tích trữ trước. Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhỏ và người dân, khi các cây xăng báo thiếu xăng dầu thì quá trình hoạt động, sinh hoạt hằng ngày sẽ bị ảnh hưởng.
Theo vị này, các công ty xăng dầu thường nhập hàng từ trước, nếu giá tăng họ kinh doanh có lời, nhưng nếu giá giảm thì họ có thể bị lỗ so với giá đã nhập về nên ghìm hàng để tránh lỗ. Để thị trường xăng dầu được hoạt động ổn định, cơ quan chức năng cần kiểm soát kỹ với các tổng kho xăng dầu có dấu hiệu trữ hàng khi biến động giá.
Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm, xử phạt nghiêm để răn đe, tránh xáo trộn thị trường xăng dầu như thời gian vừa qua. Đồng thời xem xét lại cơ chế quản lý điều hành, có lỗ hổng nào chưa phù hợp cần sớm khắc phục.
CÔNG TRUNG
Cây xăng không có xăng thật, nhưng cần xem hóa đơn
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết vừa qua có việc lực lượng chức năng kiểm tra các cây xăng tạm ngưng bán hàng. Theo vị này, ngoại trừ trường hợp cây xăng vận chuyển chưa kịp, hàng chưa đưa về bồn để bán hàng thì cần kiểm tra xem cây xăng đã mua hàng hay chưa.
Vì thực tế doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua xăng dầu rồi nhưng vẫn "ký gửi" tại kho của doanh nghiệp đầu mối, nên kiểm tra ở cây xăng không có hàng nhưng hàng đang "nằm tạm" tại kho đầu mối chưa chở về. Do đó để xử lý một cách toàn diện, lực lượng chức năng cần kiểm tra hai đầu, vừa ở cây xăng vừa trên các hóa đơn chứng từ nhập hàng.
Cần giảm thuế dầu diesel để kìm giá hàng hóa
Thiếu dầu, nhiều ngư dân cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) cho tàu nằm bờ, bỏ lỡ vụ cá cuối năm - Ảnh: ĐỨC TRONG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Quang Khanh - tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho biết cơ chế điều hành xăng dầu đang có bất cập khiến doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này càng bán càng lỗ và có những phản ứng treo biển hết hàng, tạm ngưng kinh doanh. Giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước lại đứng im.
Theo ông Khanh, cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp để đảm bảo cung cầu thị trường xăng dầu, ít nhất là điều hành theo đúng nghị định 95. Vì nghị định 95 nêu rất rõ điều hành giá là ngày 1, 11 và 21 hằng tháng. Nếu ngày điều chỉnh giá rơi đúng vào ngày nghỉ lễ Tết thì thời gian điều hành sẽ lùi sang ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ lễ Tết.
Và điều 38 nghị định này cũng quy định trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân thì Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Một giải pháp trước mắt nữa, theo ông Khanh, các cơ quan quản lý nên tính đúng tính đủ các chi phí cho doanh nghiệp. Trong cơ cấu giá cơ sở, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là 1.050 đồng/lít. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh mới chỉ tính từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam, trong khi đó chi phí từ hai nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng của họ thì chưa được tính.
Trên thực tế, lượng xăng dầu trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa tới 70 - 80%. Mặt khác, từ đầu năm, giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, chi phí vận tải xăng dầu tăng nên cần phải tính đúng tính đủ cho doanh nghiệp.
Riêng đối với giá dầu diesel, ông Khanh đề nghị cần giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng dầu diesel để kéo giá mặt hàng này xuống. Vận tải hàng hóa chủ yếu là sử dụng dầu diesel. Trong bối cảnh giá dầu diesel thế giới có biến động bất thường, giá dầu diesel trong nước liên tiếp tăng sẽ đẩy cước vận tải lên cao.
Như vậy chi phí cước vận tải sẽ được cộng vào giá hàng hóa. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, Bộ Tài chính nên khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm thuế đối với dầu diesel càng sớm càng tốt.
"Còn về lâu dài, nên trả giá xăng dầu cho thị trường, để thị trường tự quyết định giá theo giá xăng dầu thế giới. Chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự điều hành của Nhà nước thì Nhà nước chỉ cần có giá định hướng và giám sát kiểm tra thôi", ông Khanh khuyến nghị.
L.THANHLiên quan việc thiếu xăng dầu ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa của nông dân ở nhiều địa phương ĐBSCL, ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT - cho biết hiện tượng này xảy ra cục bộ tại một số địa phương và có thể sẽ xảy ra ở một số địa phương khác nữa.
Ông Cường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ xem có phải các cây xăng tích trữ gây khó khăn hay do thiếu hụt thật và có giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá diện tích lúa sắp cho thu hoạch và khả năng đáp ứng xăng dầu để từ đó có chính sách điều tiết đủ xăng dầu để phục vụ thu hoạch lúa, tránh hiện tượng lúa chín không thu hoạch được, gây thất thoát.
CHÍ TUỆ