Điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất
Điện mặt trời áp mái nhà dân ở quận Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp sáng 10-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tự sản - tự tiêu vào ngày 13-8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng dư địa phát triển ĐMT mái nhà ở miền Bắc còn nhiều và cần có chính sách khuyến khích đầu tư.
Điện mặt trời mái nhà sẽ được nới "room" ?
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, mở "room" cho ĐMT mái nhà tự sản - tự tiêu, nhất là ở miền Bắc (quy hoạch cho nối lưới với ĐMT mái nhà đang là 2.600 MW - PV).
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải nghiên cứu, thống nhất tỉ lệ bán điện dư của nguồn ĐMT mái nhà tự sản - tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.
Đối với hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu, điều khiển giám sát, với trường hợp công suất lắp đặt nhỏ hơn 100 kWh sẽ kết nối vào hệ thống của đơn vị điện. Với mức công suất trên 100 kWh đều phải kết nối vào cấp điều độ phân phối điện.
Đặc biệt, phải có giải pháp quản lý kỹ thuật để kiểm soát công suất, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là những nguồn điện đấu nối đưa lên lưới điện trung áp.
Phó thủ tướng cũng giao các đơn vị liên quan tính toán nhu cầu phụ tải, đảm bảo an toàn hệ thống, mạng lưới truyền tải để trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch điện.
Đối với các tổ chức, cá nhân đã phát triển ĐMT mái nhà tự sản - tự tiêu sau ngày 31-12-2020 sẽ có quy định chuyển tiếp.
Trong đó, những đơn vị và hộ gia đình đã lắp đặt mà không đấu nối với hệ thống điện gửi thông tin đến cơ quan có thầm quyền cấp giấy chứng nhận phát triển để ghi nhận về quy mô, địa điểm.
Nếu đăng ký bổ sung phát điện dư vào hệ thống, sẽ phải thực hiện theo quy định của nghị định này.
Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết toàn bộ miền Bắc đang có khoảng 700 MW ĐMT mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW.
Ông Đỗ Văn Năm - thành viên hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc - cho rằng với dự thảo, người dân sẽ tiết kiệm được khi sử dụng điện vào giờ cao điểm.
"Việc bán điện dư vào hệ thống, sau khoảng 5 - 6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời khoảng 12 - 15 năm", ông Năm nói.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng thảo luận về chính sách ưu đãi khi lắp đặt hệ thống lưu trữ điện, phát triển ĐMT mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp để không chồng chéo với cơ chế mua bán điện trực tiếp; xem xét tổng công suất phát triển nguồn ĐMT mái nhà tự sản - tự tiêu có nối lưới không vượt quá công suất đã được phê duyệt trong quy hoạch.
Không giới hạn công suất với ĐMT mái nhà không nối lưới
Theo dự thảo nghị định về ĐMT mái nhà tự sản - tự tiêu, các tổ chức và cá nhân lắp đặt ĐMT mái nhà tự sản - tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất; hệ thống có nối lưới cũng đều được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Tuy nhiên, nếu công suất trên 1 MW và bán điện lên lưới phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Các thủ tục đăng ký phát triển, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, nghiệm thu cũng sẽ được rút gọn theo quy trình được UBND tỉnh ban hành và cấp dưới hướng dẫn. Tinh thần là cấp giấy chứng nhận phải đơn giản nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới.
Mở 'room' cho điện mặt trời mái nhà, đầu tư 5-6 năm sẽ thu hồi được vốn?
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, trên cơ sở sẽ mở "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.
NGỌC AN