Chương trình tọa đàm "Mạng xã hội - mặt trận tư tưởng mới" do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức. |
Sự ra đời, phát triển của mạng xã hội với những tính năng vượt trội về giao diện, kết nối, truy cập, khả năng tương tác,… đã mang lại những cơ hội trải nghiệm mới cho người dùng trong việc tìm kiếm thông tin, nâng cao tri thức, giải trí, trò chuyện, giao dịch, kinh doanh,... Trong bối cảnh khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, mạng xã hội còn là người bạn đồng hành, kịp thời chia sẻ thông tin, mang đến những “món ăn” tinh thần đa dạng, bổ ích, tiếp thêm động lực, sức mạnh, niềm tin để con người vượt qua thử thách, khó khăn.
Hiện nay, sử dụng mạng xã hội dần trở thành nhu cầu thiết yếu với nhiều người, nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên. Tính đến năm 2021, Việt Nam có 72 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 73,7% dân số) với thời gian truy cập trung bình một ngày là 2 giờ 21 phút. Các trang mạng xã hội có số người dùng và truy cập nhiều nhất đó là: YouTube (92,0%), Facebook (91,7%), Zalo (76,5%), Instagram (53,5%), Tiktok (47,6%), Twitter (38,5%), Pinterest (24,1%), Linkedin (22,9%).
Nhằm tích cực, chủ động ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản trị xã hội, thích ứng bối cảnh chuyển đổi số, việc tận dụng ưu thế của internet, mạng xã hội trong truyền thông chính sách và tuyên truyền chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với khả năng truyền tin nhanh, độ tương tác cao, cách thể hiện đa dạng, sức hấp dẫn lớn, mạng xã hội tạo những hiệu ứng tích cực trong dẫn dắt, định hướng dư luận và chi phối tâm lý, hành vi của người dùng.
Do đó, bên cạnh phương thức tuyên truyền truyền thống thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, xuất bản của Đảng, Nhà nước, việc sử dụng ưu thế của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới là việc làm cần thiết của cả hệ thống chính trị, nhằm gia tăng phương tiện, cách thức và khả năng lan tỏa những thông điệp, nội dung liên quan đến lĩnh vực chính trị, đồng thời góp phần ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc, sai sự thật lan truyền trên không gian mạng.
Nhằm tận dụng, phát huy vai trò tích cực của mạng xã hội, thời gian qua, một số cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng các fanpage, thiết lập tài khoản mạng xã hội của cơ quan, tổ chức để qua đó phổ biến, tuyên truyền, cập nhật những thông tin, sự kiện mới về tình hình chính trị, xã hội nhằm cung cấp thông tin, hình ảnh một cách nhanh chóng, chính xác, an toàn và hiệu quả đến người dân.
Việc tận dụng những ưu thế của mạng xã hội với giao diện thân thiện, dễ truy cập, dễ sử dụng, nội dung đa dạng, phong phú, đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, mang lại những thông tin hữu ích cho người dùng. Tiêu biểu có thể kể đến như: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, mạng xã hội với những tính năng vượt trội đã rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền, đoàn thể với người dân.
Thông qua mạng xã hội, các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải đáp thắc mắc, điều chỉnh chính sách và có những hỗ trợ kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn. Qua mạng xã hội, người dân có thể trực tiếp bày tỏ chủ kiến, quan điểm, nêu lên những nguyện vọng chính đáng cũng như phản ánh những vấn đề bức xúc tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nhiều dự thảo về cơ chế, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã nhận được các ý kiến góp ý, phản hồi tích cực với những ý kiến tâm huyết, cái nhìn đa chiều của mọi tầng lớp xã hội gửi qua mạng xã hội, giúp các cơ quan biên soạn, xây dựng và thực thi chính sách có cái nhìn bao quát, toàn diện về cuộc sống.
Những hiệu ứng mà mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, con người là không thể phủ nhận, cho thấy đây cần được xem là kênh thông tin quan trọng để kết nối chính quyền với người dân. Do đó, trong thời gian tới, việc phát huy vai trò của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị, nhất là những vấn đề, sự kiện lớn, có ý nghĩa trọng đại đến với đồng bào trên mọi miền Tổ quốc, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa cần được chú trọng hơn nữa.
Tuy nhiên do tính chất “mở” của môi trường mạng xã hội, việc tuyên truyền chính trị trên không gian mạng thường xuyên đối diện với những khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong nước và nước ngoài. Chúng thường xuyên lợi dụng kẽ hở của mạng xã hội để tuyên truyền những tư tưởng phản động, những âm mưu chính trị hòng can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nước ta.
Bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, từ những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, chúng cắt ghép câu chữ, tách câu văn, lời nói ra khỏi văn cảnh để hướng lái dư luận; cố tình thổi phồng những thông tin sai sự thật; xuyên tạc phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo ý đồ cá nhân… Lợi dụng tính chất mở, môi trường ảo và những kẽ hở trong chính sách pháp luật, một số thế lực xấu đã dựng lên những trang thông tin điện tử giả mạo các cơ quan, tổ chức, đánh lừa công chúng, rồi từ đó đăng tải những thông tin, hình ảnh xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, quốc phòng-an ninh, chính sách đối ngoại, những văn kiện lịch sử đã bị cắt, dán, chèn những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Bên cạnh tình trạng tin giả, tin đồn sai sự thật là hiện tượng lộ, lọt thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước lan truyền trên mạng xã hội với lượt chia sẻ, tìm kiếm, truy cập, bình luận lớn, gây bất an dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác an ninh, an toàn thông tin quốc gia và lợi ích dân tộc.
Để phát huy thế mạnh cũng như ngăn ngừa, khắc phục những mặt tiêu cực của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền chính trị, cần nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân về những ưu thế và mặt trái của mạng xã hội để có phương thức ứng xử phù hợp với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Cụ thể, để việc tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội đạt hiệu quả, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị bên cạnh phương thức tuyên truyền truyền thống cần mở rộng kênh tương tác, tuyên truyền trên mạng xã hội bằng việc xây dựng các kênh thông tin, các trang mạng riêng của cơ quan, tổ chức mình, qua đó cung cấp kịp thời thông tin chính thống đến độc giả.
Cần chủ động cập nhật thông tin thời sự, phối hợp tốt với các cơ quan, bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an trong việc xây dựng chương trình, trang thông tin tuyên truyền đa dạng, có nội dung phong phú, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, định hướng tư tưởng, tình cảm nhân dân, hướng cộng đồng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
Với những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền và các cơ quan, đơn vị phụ trách phải làm chủ công nghệ, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh, dự báo những tình huống mới có thể nảy sinh khác với mục tiêu, mong muốn tuyên truyền. Đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên giỏi về lý luận, am hiểu thực tiễn, sử dụng thành thạo công nghệ để truyền tải chủ trương, chính sách pháp luật bằng những hình thức đa dạng, hấp dẫn như xây dựng các video clip, mô hình hóa những vấn đề trừu tượng bằng những thiết kế đồ họa, tranh ảnh, những mẩu tin ngắn với cách đặt vấn đề đi vào trọng tâm, có nội dung thông tin, gần gũi với quần chúng.
Với các cơ quan quản lý, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch, nhân văn với những giá trị văn hóa tốt đẹp được lan tỏa, chia sẻ. Cần có chế tài và biện pháp xử lý nghiêm minh, có tính răn đe để cảnh báo cũng như kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Có biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi những trang mạng có nội dung xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Nhằm khai thác hiệu quả các thế mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị, cần phát huy vai trò, sức mạnh, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân, học tập nhân dân, huy động lực lượng trong dân với mục tiêu để các tầng lớp nhân dân luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, bảo vệ những giá trị mang tính nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên không gian mạng, mỗi người dân vừa là đối tượng tiếp nhận thông tin, vừa là người cung cấp thông tin, đồng thời là một “chiến sĩ” trong cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác để cùng với các cơ quan, đoàn thể chính trị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hiện nay.
Việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận tâm phục vụ cùng những thông tin hữu ích sẽ tạo chất “keo” gắn kết mối quan hệ bền chặt giữa chính quyền với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo sức mạnh, động lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.