Hình ảnh ninja trong phim và truyện là một sát thủ thoắt ẩn thoắt hiện, mặc áo choàng đen với khả năng ẩn giấu có vẻ "ma thuật". Tuy nhiên, trong thực tế, lịch sử của ninja có phần khác. Ở Nhật Bản thời phong kiến, ninja là một tầng lớp chiến binh cấp thấp hơn, thường được các samurai và quan lại sử dụng làm gián điệp.
Tuyệt kĩ "tàng hình"
Bao quanh các ninja luôn là một bầu không khí huyền bí với nhiều thông tin thêu dệt. Họ thường sử dụng trang phục tối màu, che kín thân thể chỉ để lại đôi mắt, cùng với kĩ năng di chuyển nhanh nhẹn càng khiến những phi vụ hành động của họ trở nên "biến hóa" hơn.
Sử dụng những vũ khí như shuriken, thứ "ám khí" hình ngôi sao được mài sắc và ống thổi fukiya, ninja âm thầm nhưng nguy hiểm. Họ cũng là những kiếm sĩ nổi tiếng, và sử dụng vũ khí của mình không chỉ để giết người mà còn trèo tường đá, giúp họ lẻn vào nơi ở của đối thủ để quan sát. Hầu hết các nhiệm vụ của họ là bí mật nên có rất ít tài liệu chính thức nêu chi tiết các hoạt động của họ. Tuy nhiên, các công cụ và phương pháp của họ đã được truyền miệng qua nhiều thế hệ.
Ninja có khả năng "đi" trên mặt nước?
Điều này cho phép các nhà làm phim, tiểu thuyết gia và họa sĩ sử dụng trí tưởng tượng phong phú, miêu tả ninja như những siêu nhân có thể chạy trên mặt nước hoặc biến mất trong nháy mắt.
Tuy nhiên, theo Jinichi Kawakami, người được xem là truyền nhân ninja cuối cùng của Nhật Bản: “Điều đó là không thể bởi vì dù có huấn luyện bao nhiêu thì ninja cũng chỉ là con người".
Một trong những hiểu lầm phổ biến về ninja là tin rằng họ có thể "biến mất". Thực tế, ninja có kỹ năng sử dụng chất nổ và có thể tạo ra bom khói để đánh lạc hướng đối phương trong nháy mắt, giúp họ dễ dàng tẩu thoát.
Dù quần áo của ninja được làm để khó nhìn thấy trong bóng tối, trang phục của ninja không phải màu đen, vì màu này sẽ nổi bật dưới ánh trăng. Thay vào đó, các trang phục này thường sử dụng màu nhuộm xanh nước biển sẫm.
Về huyền thoại "đi trên mặt nước", một số giả thuyết cho rằng các ninja đã sử dụng một thứ gọi là "giày nước" - làm từ những tấm gỗ tròn, và dùng mái chèo bằng tre để đẩy. Tuy nhiên tính khả thi và hiệu quả của công cụ này vẫn còn là một dấu hỏi.
Câu chuyện ninja biết bay cũng ly kỳ không kém. Nhưng theo BBC, hiểu lầm này xuất phát từ việc ninja có kĩ thuật thở giúp tăng lượng oxy hấp thụ khiến họ di chuyển nhẹ nhàng và nhanh chóng như đang bay, thực tế chân ninja vẫn chạm đất trong khi di chuyển.
Ninjutsu - kĩ thuật của ninja vì vậy không thể được hiểu đơn thuần là một môn võ thuật, mà là sự kết hợp của nhiều kĩ năng, chiến thuật. Trên thực tế, chiến đấu là kỹ năng cuối cùng được ninja sử dụng - họ tập trung vào kỹ năng gián điệp và đánh bại kẻ thù bằng trí thông minh nhiều hơn. Vung kiếm đối với ninja là kĩ năng cấp thấp.
Nguồn gốc của Ninja
Trên khắp thế giới đều có các gián điệp và sát thủ. Vì vậy thực tế rất khó xác định sự xuất hiện của ninja đầu tiên, còn gọi là "shinobi" - người thực hiện nghệ thuật tàng hình.
Tuy nhiên, văn hóa dân gian Nhật Bản kể rằng ninja là hậu duệ của một con quỷ nửa người nửa quạ. Trong đời thực, lực lượng này được cho là xuất hiện rồi dần dần phát triển thành một lực lượng đối lập với những người cùng thời thuộc tầng lớp thượng lưu, như samurai, ở Nhật Bản thời kỳ đầu phong kiến.
Một số loại vũ khí của ninja.
Hầu hết các nguồn tư liệu chỉ ra rằng các kỹ năng ninjutsu bắt đầu phát triển từ năm 600 đến năm 900. Hoàng tử Shotoku, sống từ năm 574 đến 622, được cho là đã thuê một người tên là Otomono Sahito làm gián điệp shinobi.
Đến năm 907, nhà Đường ở Trung Quốc sụp đổ, đẩy đất nước vào 50 năm hỗn loạn và buộc các tướng lĩnh nhà Đường phải vượt biển trốn sang Nhật Bản, mang theo những chiến thuật và triết lý chiến đấu mới.
Các nhà sư Trung Quốc cũng bắt đầu đến Nhật Bản vào những năm 1020, mang theo các loại thuốc mới và triết lý chiến đấu riêng, với nhiều ý tưởng bắt nguồn từ Ấn Độ, đi qua Tây Tạng và Trung Quốc trước khi xuất hiện ở Nhật Bản. Các nhà sư đã dạy phương pháp của họ cho các chiến binh-tu sĩ của Nhật Bản, hay yamabushi, cũng như cho các thành viên của các gia tộc ninja đầu tiên.
Trong một thế kỷ tiếp theo, sự pha trộn giữa các chiến thuật của người Trung Quốc và người bản địa đã phát triển không có quy tắc thành các lý thuyết của ninja. Những điều này lần đầu tiên được chính thức hóa bởi Daisuke Togakure và Kain Doshi vào khoảng thế kỷ thứ 12.
Daisuke từng là một võ sĩ đạo, nhưng anh ta ở bên thua cuộc trong một trận chiến khu vực và bị buộc tước bỏ đất đai và danh hiệu võ sĩ đạo của mình. Thông thường, một samurai có thể mổ bụng tự sát trong những trường hợp này, nhưng Daisuke thì không.
Thay vào đó, vào năm 1162, Daisuke lang thang trên những ngọn núi phía tây nam Honshu, nơi anh gặp Kain Doshi, một võ sĩ-tu sĩ Trung Quốc. Daisuke từ bỏ quy tắc võ sĩ đạo của mình, và cả hai cùng nhau phát triển một lý thuyết mới về chiến tranh du kích có tên là Ninjutsu. Hậu duệ của Daisuke đã tạo ra ninja ryu đầu tiên, hay trường học ninja, Togakureryu.
Một số thủ lĩnh ninja, hay jonin, là những samurai thất thế như Daisuke Togakure - những người đã thua trận hoặc bị từ bỏ nhưng bỏ trốn thay vì tự sát theo nghi thức. Ngoài ra, hầu hết các ninja bình thường đều không xuất thân từ giới quý tộc.
Hình ảnh ninja trong tranh Nhật Bản.
Thay vào đó, ninja bắt đầu từ dân làng và nông dân, những người học cách chiến đấu bằng mọi cách cần thiết để tự bảo vệ mình, bao gồm cả việc sử dụng các cách ngụy trang và chất độc để thực hiện các vụ ám sát. Do đó, các thành trì nổi tiếng nhất của ninja là tỉnh Iga và Koga, hầu hết được biết đến với những vùng đất nông nghiệp và những ngôi làng yên tĩnh.
Phụ nữ cũng có thể làm ninja. Nữ ninja, hay kunoichi, thường xâm nhập vào thành trì của kẻ thù dưới vỏ bọc vũ công, thê thiếp hoặc người hầu, những người này là những gián điệp rất thành công và đôi khi còn đóng vai trò là sát thủ.
Sự thăng trầm của Ninja
Các ninja ra đời trong thời kỳ hỗn loạn từ năm 1336 đến năm 1600. Trong bầu không khí chiến tranh liên miên, các kỹ năng của ninja là điều cần thiết cho tất cả các bên, vì vậy họ đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Nanbukucho (1336–1392), Chiến tranh Onin ( 1460s), và Sengoku Jidai, hay Thời kỳ Chiến Quốc - nơi họ hỗ trợ các samurai trong các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ.
Ninja cũng là một công cụ quan trọng trong thời kỳ Sengoku (1467-1568), nhưng cũng có ảnh hưởng gây bất ổn. Khi lãnh chúa Oda Nobunaga trở thành lãnh chúa phong kiến (daimyo) mạnh nhất và bắt đầu thống nhất Nhật Bản vào năm 1551–1582, ông coi các thành trì của ninja tại Iga và Koga là mối đe dọa. Mặc dù nhanh chóng đánh bại và thu phục lực lượng ninja Koga, Nobunaga gặp nhiều rắc rối hơn với Iga.
Trong cuộc nổi dậy sau này được gọi là Iga Revolt hay Iga No Run, Nobunaga đã tấn công các ninja của Iga với một lực lượng áp đảo hơn 40.000 người. Cuộc tấn công nhanh như chớp của Nobunaga vào Iga đã buộc các ninja phải giao chiến, bị đánh bại và phân tán đến các tỉnh lân cận và vùng núi Kii.
Trong khi căn cứ bị phá hủy, ninja không biến mất hoàn toàn. Một số phục vụ cho Tokugawa Ieyasu, người trở thành tướng quân vào năm 1603, nhưng số lượng ninja giảm đi nhiều và vẫn tiếp tục phục vụ cho cả hai bên trong các cuộc chiến khác nhau.
Thời kỳ Edo dưới thời Mạc phủ Tokugawa từ năm 1603–1868 đã mang lại sự ổn định và hòa bình cho Nhật Bản, đưa câu chuyện về ninja đến hồi kết. Tuy nhiên, các kỹ năng và huyền thoại của ninja vẫn tồn tại và được tô điểm thêm để làm sống động các bộ phim, trò chơi và truyện tranh ngày nay.
Truyền kỳ về 7 ninja nổi tiếng
Dù các thông tin về ninja đều mờ ảo, vẫn có những nhân vật để lại di sản lâu dài trong văn hóa Nhật Bản.
Thứ nhất là Fujibayashi Nagato, thủ lĩnh của ninja Iga trong thế kỷ 16. Gia đình Fujibayashi đã thực hiện các bước để đảm bảo rằng truyền thuyết và kỹ thuật ninja sẽ không bị mai một. Hậu duệ của ông, Fujibayashi Yastake, đã biên soạn Bansenshukai (Bách khoa toàn thư về Ninja).
Thứ hai là Momochi Sandayu, thủ lĩnh của ninja Iga vào nửa sau thế kỷ 16. Hầu hết mọi người tin rằng ông đã chết trong cuộc tấn công Iga của Oda Nobunaga. Tuy nhiên, truyền thuyết kể rằng ông trốn thoát và sống những ngày còn lại là một nông dân ở tỉnh Kii.
Thứ ba, trong các câu chuyện dân gian, là Ishikawa Goemon, thường xuất hiện như một Robin Hood của Nhật Bản. Đây có thể là một nhân vật lịch sử có thật và là một tên trộm từ gia đình samurai phục vụ cho gia tộc Miyoshi tại Iga. Goemon được cho là đã được đào tạo thành một ninja dưới thời Momochi Sandayu.
Goemon có thể đã trốn khỏi Iga sau cuộc tấn công của Nobunaga, dành khoảng 15 năm để cướp bóc các daimyo, thương nhân giàu có và những ngôi đền giàu có. Nhưng không rõ thực tế ông ta có chia sẻ chiến lợi phẩm với những người nông dân nghèo hay không.
Ninja trên thực tế chủ yéu làm nhiệm vụ gián điệp và ít thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Tiếp theo là Hattori Hanzo, thuộc tầng lớp samurai từ Iga, nhưng sống ở Mikawa và phục vụ như một ninja trong thời kỳ Sengoku của Nhật Bản. Giống như Fujibayashi và Momchi, ông chỉ huy các ninja Iga. Hành động nổi tiếng nhất của ông là giúp đưa Tokugawa Ieyasu, người sáng lập tương lai của Mạc phủ Tokugawa sau này, đến nơi an toàn sau cái chết của Oda Nobunaga vào năm 1582.
TIN LIÊN QUAN
Kế đến là Mochizuki Chiyome, là vợ của samurai Mochizuki Nobumasa tại Shinano, người đã chết trong Trận chiến Nagashino năm 1575. Bản thân Chiyome xuất thân từ tộc Koga nên có nguồn gốc ninja.
Sau khi chồng qua đời, Chiyome thành lập một nhóm kunoichi, hay các nữ ninja, những người có thể hoạt động như gián điệp, người đưa tin và sát thủ. Chiyome tuyển dụng những cô gái mồ côi, người tị nạn hoặc bị bán vào động mại dâm và huấn luyện họ.
Vào thời kỳ đỉnh cao, băng ninja của Chiyome bao gồm từ 200 đến 300 phụ nữ và mang lại cho gia tộc Takeda một lợi thế quyết định trong việc đối phó với các lãnh thổ lân cận.
Một nhân vật khác là Fuma Kotaro là một thủ lĩnh quân đội và ninja jonin (thủ lĩnh ninja) của gia tộc Hojo có trụ sở tại tỉnh Sagami. Mặc dù không đến từ Iga hay Koga, nhưng ông đã thực hành nhiều chiến thuật theo phong cách ninja trong các trận chiến của mình.
Truyền thuyết cho rằng Kotaro gây ra cái chết của Hattori Hanzo, người phục vụ Tokugawa Ieyasu. Kotaro được cho là đã dụ Hattori vào một con đường biển hẹp, đợi thủy triều lên, đổ dầu lên mặt nước rồi đốt cháy thuyền và quân của Hattori.
Bảo tàng ninja Iga.
Cuối cùng là Jinichi Kawakami, được gọi là ninja cuối cùng, mặc dù ông thừa nhận rằng "ninja thực sự không còn tồn tại nữa".
Ông bắt đầu học ninjutsu từ năm 6 tuổi và học được không chỉ các kỹ thuật chiến đấu và gián điệp mà còn cả kiến thức hóa học và y học được truyền lại từ thời Sengoku.
Kawakami quyết định không dạy lại bất kỳ người nào các kỹ năng ninja cổ đại. Ông nhấn mạnh rằng ngay cả khi người hiện đại học ninjutsu, họ cũng không thể thực hành nhiều kiến thức đó: "Chúng tôi không thể thử giết người hay dùng thuốc độc".