Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất. Ảnh: H.A
Quy mô tăng, công nghệ vẫn lạc hậu
Hợp tác xã trồng cam xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang hiện có vùng trồng trên 100ha. Mặc dù diện tích trồng cam khá lớn nhưng phương tiện sản xuất vẫn rất thô sơ, lạc hậu.
Anh Trần Ngọc Nam, Giám đốc hợp tác xã trồng cam xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang cho biết, trước đây, người dân trồng cam theo phương thức tự phát, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Trong những năm gần đây, người dân đã nâng cao nhận thức trong việc liên kết sản xuất nên thành lập các hợp tác xã.
Hợp tác xã trồng cam Vĩnh Phúc được thành lập năm 2017 với sự tham gia của 12 hội viên. Hiện nay, các thành viên đã thống nhất trồng cam theo quy trình chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, các công nghệ trồng trọt vẫn rất lạc hậu. Các công đoạn tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch… vẫn thực hiện hoàn toàn bằng sức người, chưa có sự hiện diện của máy móc. Không chỉ trồng trọt, công nghệ chăn nuôi cũng rất thô sơ lạc hậu.
Ông Hoàng Văn Chung, một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, ông vốn ở vùng sâu vùng xa nên khó khăn trong tiếp cận công nghệ. Mặc dù với sự nỗ lực của bản thân, ông đã phát triển trang trại nuôi lợn lên con số 130 con lợn nái, 2.000 con lợn thịt. Doanh thu mỗi năm lên tới 14 tỉ đồng. Mặc dù số lượng đàn lợn khá lớn song trang trại của ông được đầu tư rất sơ sài. Hiện trang trại có 7 nhân công lao động. Máy móc áp dụng gần như không có gì ngoài một vài máy bơm nước dọn dẹp chuồng trại, máy thái thức ăn chăn nuôi.
Ông Chung cho biết thêm, bản thân ông cũng rất mong muốn áp dụng máy móc vào chăn nuôi nhưng do thiếu vốn và thiếu thông tin nên đành chấp nhận chăn nuôi theo phương thức thủ công.
Công nghệ chưa đủ đáp ứng
Trao đổi về vấn đề ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, TS Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, hiện nay, công nghệ chăn nuôi của Việt Nam thiếu đồng bộ và không đồng đều.
Chăn nuôi bò và chế biến sữa là nhóm có công nghệ đồng bộ và hiện đại nhất, chiếm trên 60% tổng đàn bò sữa. Tuy nhiên, khu vực chăn nuôi lợn và gà theo hướng công nghiệp của các doanh nghiệp, trang trại lớn (chiếm khoảng 30 % tổng đàn) là đã có công nghệ hiện đại, tự động có nguồn gốc xuất xứ từ EU, Mỹ, Đài Loan. Còn lại là chắp vá.
Trong khi đó, công nghệ giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Hiện mới chỉ có khoảng 20% thị phần là được đầu tư hiện đại và đồng bộ; còn lại là thủ công.
Theo TS Nguyễn Xuân Dương, nếu không có sự thay đổi tư duy, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo đó, số lượng người tham gia chăn nuôi nhiều, tỉ trọng chăn nuôi nông hộ cao nhưng khả năng đầu tư thấp, công nghệ chậm đổi mới làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Trong khi đó, tỉ trọng nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào của sản xuất chăn nuôi cao, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm trên 70% tổng số và ngày càng gia tăng.
Vấn đề công nghệ lạc hậu làm gia tăng áp lực cạnh tranh về thị trường của các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phát huy hiệu lực, các dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về 0%. Đặc biệt là hầu hết các nước trong CPTPP và EVFTA đều có trình độ chăn nuôi tốt hơn Việt Nam. Những áp lực đó, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đặc biệt quan tâm tới đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất. Thế nhưng, ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, hầu hết máy móc, thiết bị nông nghiệp của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần tích cực tiếp cận thông tin chuyển giao công nghệ để có thể tự sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp, qua đó giảm giá thành tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp các nước trên thế giới.
Sản xuất nông nghiệp Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại TP.Cần Thơ Việt Nam sắp đưa thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp