Doanh nghiệp cần rà soát lại dự án, tránh chuyện nguồn lực 1 nhưng làm 5

14/02/2023 09:29
(Dân trí) - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị doanh nghiệp rà soát lại các dự án, đảm bảo phù hợp với khả năng thực thi, tránh tình trạng nguồn lực chỉ có một nhưng thực hiện 5-7 dự án, dẫn đến phải bán bớt.

 

Nhiều đơn vị phải dừng dự án, cho người lao động nghỉ việc

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay (8/2), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong quý IV/2022, các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.

"Tổ công tác của Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân, thanh quyết toán. Nhiều đơn vị đã phải dừng các dự án, cho người lao động nghỉ việc...", ông Sinh cho hay.

Doanh nghiệp cần rà soát lại dự án, tránh chuyện nguồn lực 1 nhưng làm 5

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị cơ quan quản lý ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vay vốn (Ảnh: SBV).

Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay, tức có tài sản đảm bảo, dự án đủ pháp lý.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi. "Tránh tình trạng nguồn lực chỉ có một nhưng thực hiện 5-7 dự án, vượt quá khả năng, dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án", ông Sinh nói.

Thông qua hội nghị, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vay vốn, đặc biệt cho vay các dự án triển khai dở dang chiếm số lượng lớn hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Sinh cũng đề nghị cơ quan quản lý tiền tệ tìm cách tháo gỡ theo hướng cơ cấu lại các khoản nợ xấu, giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hoạt động. Thời gian tới, cơ quan quản lý tiền tệ nên ưu tiên tập trung cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Thứ trưởng Sinh cũng cho biết Bộ đang chủ trì sửa đổi 2 dự án luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, đồng thời trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời hơn liên quan đến thể chế pháp lý trong lĩnh vực bất động sản.

Ông cũng tiết lộ Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chuẩn bị tổ chức hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản trong tháng 2.

Ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản cùng trên một xuồng, chèo cùng nhịp

Trước nhiều đề xuất về việc nên có cơ chế tín dụng đặc thù cho hoạt động bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết nếu có cơ chế đặc thù cho bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng sẽ đòi cơ cấu nợ.

"Chúng ta đang trên một chiếc xuồng, cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm. Chúng tôi mong muốn hành động cùng các anh chị để cùng vượt qua khó khăn hiện nay", lãnh đạo VietinBank nói.

Lãnh đạo VietinBank cho rằng nếu có cơ chế đặc thù cho bất động sản sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.

Trước đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TPHCM về việc bỏ giấy phép xây dựng khi giải ngân, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng đây là quy định của Nhà nước. "Khi giải ngân bắt buộc phải có giấy phép xây dựng, còn trước đó thì có thể không cần", ông nêu.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc ngân hàng BIDV cho rằng cần bắt buộc phải có giấy phép xây dựng khi giải ngân (Ảnh: SBV).

"Ngân hàng cho vay cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu những vướng mắc từ các thủ tục đầu tư, ngân hàng không thể cấp vốn. Khi vướng mắc thủ tục ở đâu thì các doanh nghiệp nên kiến nghị ở các cơ quan liên quan cho phù hợp", ông Lâm nói.

Về ý kiến của doanh nghiệp đối với chi phí đền bù, lãnh đạo BIDV cho rằng việc này tùy thuộc "khẩu vị" từng ngân hàng. BIDV sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp để xem xét tháo gỡ.

Theo Nguồn dantri.com.vn

Doanh nghiệp cần rà soát lại dự án, tránh chuyện nguồn lực 1 nhưng làm 5 - Doanh Nghiệp