Một nghịch lý diễn ra, dù quy định chung nhưng hiện nay tại TP.HCM một số quận cho chuyển mục đích, cấp phép xây dựng đối với khu quy hoạch dân cư xây dựng mới, còn một số quận, huyện lại chờ hướng dẫn.
Nhiều khu đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới ở các quận, huyện chưa được chuyển mục đích lên đất ở nên phải để hoang nhiều năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Loạt bài về phá dỡ ách tắc việc chuyển mục đích, cấp giấy phép xây dựng đối với đất trong khu quy hoạch dân cư xây dựng mới trên báo Tuổi Trẻ nhận được nhiều phản hồi đồng tình của đông đảo người dân và cả cán bộ, công chức quản lý ở sở ngành, quận huyện.
Một số quận vẫn cho chuyển mục đích khu dân cư xây dựng mới
Mặc dù không có văn bản nào trực tiếp chỉ đạo nhưng cán bộ quản lý nhiều quận, huyện lúng túng, không giải quyết hồ sơ của người dân bởi có những văn bản trao đổi qua lại của các cơ quan quản lý không rõ ràng quan điểm.
Sau loạt bài, hàng loạt phản hồi đề nghị lãnh đạo TP và các sở, ngành sớm có hướng dẫn, chỉ đạo gỡ vướng mắc. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề.
Một nghịch lý đáng nói ở đây, dù cùng chung một quy định nhưng hiện nay có một số quận vẫn giải quyết cho người dân chuyển mục đích sử dụng, cấp phép xây dựng trong khu quy hoạch dân cư xây dựng mới, còn một số quận, huyện lại không giải quyết và chờ hướng dẫn.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, hiện một số quận cho phép chuyển mục đích, cấp phép xây dựng đối với đất quy hoạch dân cư xây dựng mới như quận 12, Bình Tân, quận 8, quận 7. Trong khi nhiều quận, huyện khác lại không giải quyết hồ sơ cho dân.
Ông Phạm Quang Tú - phó chủ tịch UBND quận 8 - cho biết quận 8 vẫn cho chuyển mục đích và cấp giấy phép chính thức ở khu quy hoạch dân cư xây dựng mới.
Theo ông Tú, trong tổng diện tích đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới trên địa bàn quận có 10% diện tích thuộc khu vực đất trống. Hầu hết khu vực này đã có chủ đầu tư tiến hành nhận chuyển nhượng đất của dân để làm dự án.
Riêng 90% khu vực quy hoạch nằm trên các khu dân cư hiện hữu đã hình thành trước đây, quận 8 cho người dân chuyển mục đích và xin phép xây dựng bình thường.
"Quy hoạch dân cư vẫn là đất ở nên việc chuyển mục đích được thực hiện theo Luật đất đai. Thực tế nhiều khu dân cư hình thành lâu nay, khi lập đồ án phủ lên quy hoạch xây dựng mới để làm dự án nhưng khó thực hiện. Nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng quyền lợi của dân", ông Tú giải thích.
Tương tự, tại quận Bình Tân vẫn giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích khu dân cư xây dựng mới vì "phù hợp đất ở". Tuy nhiên, khi cấp phép xây dựng, quận này lại cấp giấy phép xây dựng tạm.
Nơi nói chưa nhận được hướng dẫn
Trong khi đó nhiều địa phương khác như Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi... lại không cho chuyển mục đích và cấp giấy phép xây dựng đối với khu dân cư xây dựng mới.
Trả lời về việc từ chối giải quyết hồ sơ của người dân, UBND TP Thủ Đức cho hay hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường theo chỉ đạo của UBND TP nên chưa có cơ sở xem xét.
Còn lý do huyện Bình Chánh đưa ra để ngừng xem xét hồ sơ của người dân là đến nay UBND huyện Bình Chánh chưa nhận được hướng dẫn của sở, ngành liên quan.
Huyện này cho biết có gửi công văn cho UBND TP xin ý kiến hướng dẫn theo các kết luận chỉ đạo của UBND TP. Sau khi có ý kiến hướng dẫn, UBND huyện Bình Chánh sẽ công khai thông tin để người dân có nhu cầu lập lại hồ sơ.
Trong cuộc họp báo ngày 27-4, ông Huỳnh Trịnh Phong - trưởng phòng quản lý sau quy hoạch Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM - khẳng định không hạn chế quyền chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng đối với đất quy hoạch dân cư xây dựng mới. Nhưng đến nay quận, huyện vẫn chờ văn bản chỉ đạo chính thức để gỡ vướng...
Việc cấm tách thửa khu dân cư xây dựng mới cũng sai
Các chuyên gia pháp lý cho rằng không chỉ việc không giải quyết hồ sơ chuyển mục đích, xin giấy phép xây dựng sai, mà việc UBND TP quy định hạn chế quyền tách thửa đối với đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới cũng trái quy định.
Cụ thể, theo quyết định 60 năm 2017 của UBND TP.HCM quy định thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất.
Theo các chuyên gia, Luật đất đai quy định UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với 2 loại đất "đất ở tại nông thôn" và "đất ở tại đô thị" (điều 143 và điều 144).
Luật không giao Chính phủ mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất khác. UBND cấp tỉnh không thể dựa vào quy hoạch mà ngăn cản, cấm đoán quyền tách thửa hợp pháp của công dân đã được pháp luật quy định, trừ những trường hợp luật có quy định cấm tách thửa.
Mặt khác, trong khi Luật đất đai chia đất ở thành 2 loại là đất ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn, việc quyết định 60 chia đất ở thành nhiều loại gắn với quy hoạch để cấm công dân thực hiện quyền tách thửa của mình là trái luật.