Tại diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2022, các doanh nhân đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp và lời khuyên cho các doanh nghiệp trên hành trình gây dựng từ con số 0.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nhấn mạnh việc doanh nghiệp phải có tư duy, tầm nhìn toàn cầu. Theo ông Hải, thế giới cần hòa bình và chính doanh nghiệp phải có văn hóa kinh doanh hòa bình bằng cách chia sẻ, kết nối toàn cầu. Điều này là yếu tố giúp một doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội vượt tầm quốc gia để đi ra thế giới.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Taxi Mai Linh, thì chỉ ra mỗi quốc gia đều cần 3 người lính: lính bảo vệ biên cương, lính trên mặt trận văn hóa và lính bảo vệ tổ quốc bằng phát triển kinh tế.Theo ông, doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại, phát triển bền vững, cạnh tranh trên thị trường khi tự thân đổi mới, sáng tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo không phải chỉ diễn ra một lần mà phải liên tục không ngừng.
Từ trái qua: Ông Đỗ Tiến Thịnh, ông Hồ Huy, ông Lê Viết Hải (Ảnh: Vũ Linh).
Ông cũng chỉ ra có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp như sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin và sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo... "Nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người", ông nói thêm.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp 10 năm, ông Phạm Văn Tam, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo, gợi ý cho doanh nghiệp khởi nghiệp không nên đối đầu trực tiếp với các tập đoàn lớn cùng ngành nghề. "Tập đoàn lớn bán ở thành phố lớn thì tôi xuống tỉnh, họ xuống tỉnh tôi lại xuống huyện, họ xuống huyện, tôi xuống nông thôn", ông nói.
Ông cho rằng đây không phải né tránh mà mỗi doanh nghiệp cũng cần có con đường riêng. "Không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng sáng tạo nhưng cần phải vận động thay đổi, cải tiến cái cũ, tìm con đường riêng", ông nói.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhận định Việt Nam có các trung tâm công và tư hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp nhiều. Theo ông Thịnh, doanh nhân có thể phân biệt già và trẻ nhưng khởi nghiệp không có khái niệm này. Ông nhận định đổi mới sáng tạo sẽ tác động trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 mới đây ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua, tương ứng mức tăng 20 bậc.
Các chuyên gia nhận định đổi mới sáng tạo sẽ tác động trực tiếp đến sự thành công của một doanh nghiệp khởi nghiệp (Ảnh: Vũ Linh).
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng tình hình chung của ngân hàng ổn định, tín dụng không khô kiệt, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp…là môi trường lý tưởng để khởi nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), lưu ý thêm, khởi nghiệp sáng tạo luôn đi cùng rủi ro. Thực tế hiện nay Việt Nam chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh làm bệ đỡ cho khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp...
Trước những bất ổn của tình hình thế giới, ông nhấn mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp phải nâng cao năng lực nội tại để ứng phó với "vạn biến" của thời cuộc, thị trường. Một trong những giải pháp quan trọng là phải bổ sung quản trị rủi ro của doanh nghiệp.