Hiện nay, các huyện Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Sơn Tây... bước vào mùa thu hoạch cau. Theo các thương lái, mới vào đầu mùa thu hoạch, giá cau tươi dao động từ 30 - 45 nghìn đồng/kg, tùy theo địa hình, vùng miền. So với cùng kỳ năm 2021, giá cau năm nay không tăng nhiều, nhưng ổn định.
Ông Lê Văn Hương (Nghĩa Hành), làm nghề mua cau hơn 20 năm cho biết, hơn 5 năm qua, giá cau trái luôn ở mức cao. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây cau cho năng suất cao, giá cả lại ổn định nên người trồng cau rất phấn khởi, người buôn cũng mua bán thuận lợi. Mỗi ngày, tôi mua được từ 2 - 3 tạ cau ở các huyện Sơn Tây, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ...
Giá cau ổn định, người mua, người bán đều phấn khởi.
Chủ tịch UBND xã Hành Trung (Nghĩa Hành) Võ Văn Vinh cho hay, địa bàn xã không có đồi núi, chủ yếu là đất vườn, nhỏ hẹp, nhưng từ nhiều năm qua, nông dân thấy trồng cau đem lại thu nhập cao, lại ít tốn công chăm sóc nên đã tập trung trồng cau. Đến nay, bình quân mỗi hộ gia đình có từ 50 - 100 cây cau, có những hộ có 300 - 400 cây cau cho trái, thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/vụ. Cây cau hiện là cây đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.
Ở huyện Sơn Tây, người đồng bào Ca Dong cũng xem cây cau là nguồn thu nhập chính. Toàn huyện có hơn 998ha trồng cau tập trung thuộc các xã Sơn Dung, Sơn Màu, Sơn Liên... Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân, cây cau là cây trồng truyền thống của đồng bào Ca Dong, nên hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều trồng tập trung và phân tán. Toàn huyện hiện có khoảng 600 hộ dân trồng cau, với số lượng từ 1.000 cây trở lên.
Từ năm 2016 đến nay, thị trường cau xuất khẩu được mở rộng đến nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... nên giá cau luôn ổn định và có xu hướng tăng. Năm 2021, cau trái có giá 60 nghìn đồng/kg. Đến tháng 8/2022, giá cau tuy có giảm nhưng vẫn dao động từ 30 - 45 nghìn đồng/kg cau trái. Nhờ đó, huyện Sơn Tây đã có hàng trăm hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Có những hộ thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng, như hộ ông Đinh Văn Hanh, Đinh Văn Min... xã Sơn Tinh; Đinh Văn Chút, Đinh Văn Châm... ở xã Sơn Long; Đinh Văn Tơn, Đinh Văn Trong... ở xã Sơn Dung.
Trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện có 16 cơ sở sơ chế cau trái, với tổng công suất khoảng 8.000 tấn/vụ. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cau tươi thu mua được tại địa phương hiện mới đáp ứng khoảng 65% công suất sơ chế của các cơ sở chế biến. Tuy vậy cũng đã giải quyết việc làm theo mùa vụ cho khoảng 120 lao động, với mức thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Trân cho biết thêm, xác định cây cau là cây giúp người dân thoát nghèo, từ năm 2019 - 2020, huyện đã hỗ trợ cho 508 hộ dân trồng cau trên diện tích 300ha. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích trồng cau ở những khu vực có điều kiện đất đai phù hợp, thay thế dần diện tích keo nguyên liệu giấy, phấn đấu đến năm 2025 hình thành vùng nguyên liệu cau phục vụ xuất khẩu; đồng thời xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu sản phẩm, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến cau sau thu hoạch.