Cầm 20 triệu đồng bố cho, 9X tay ngang xây dựng thương hiệu váy cưới trăm triệu/chiếc
Nguyễn Thảo Xem các bài viết của tác giả
14/08/2023 06:30 (GMT+07:00)
Những chiếc váy cưới đắt nhất mà Giang thiết kế có giá cho thuê lên tới cả trăm triệu đồng. Nhiều người nổi tiếng trong showbiz chọn thương hiệu váy của cô gái chưa từng học bài bản về thời trang, khởi nghiệp chỉ với 20 triệu đồng.
Hương Giang bước chân vào ngành váy cưới bằng đam mê và nỗ lực không ngừng suốt 9 năm qua.
Không theo học ngành thời trang, nhưng nhờ có đam mê dẫn lối, từ một cửa hàng nhỏ chuyên bán những thứ mình thích, Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1990) đã gây dựng được một thương hiệu váy cưới có tiếng ở Hà Nội. Đến nay, những chiếc váy cưới thiết kế của cô đã có chỗ đứng riêng trên thị trường, có những chiếc có giá lên tới hàng trăm triệu đồng chỉ riêng tiền thuê.
Hương Giang tốt nghiệp khoa Quốc tế học, Trường ĐH Hà Nội. Cô từng hình dung mình sẽ làm việc trong ngành ngoại giao hoặc tổ chức phi chính phủ. Bố mẹ cô là cán bộ công chức, gia đình không có ai theo ngành thời trang. Vì thế, Giang chưa từng được gia đình ủng hộ để theo đuổi một công việc có vẻ “bất ổn định” như thiết kế thời trang. Đến giờ, cô vẫn cho rằng, có lẽ nghề đã chọn người.
Bắt đầu với váy áo công chúa
Cơ duyên đến với thời trang nhen nhóm từ sở thích ngày nhỏ. Giang kể, mới 4-5 tuổi, cô đã tập tành đan len, may quần áo cho búp bê. Tài sản lớn nhất của cô ngày ấy là chiếc tủ đựng quần áo cho búp bê làm từ vỏ chai rượu bỏ đi. Cứ thế, váy áo, thời trang luôn là một sở thích đi bên cạnh cô trong suốt những năm tháng trưởng thành.
Thời sinh viên, Giang từng làm cộng tác viên cho mục thời trang của một tờ báo. Với vai trò “stylist”, cô được trải nghiệm hết các công việc như lên ý tưởng, sắp xếp buổi chụp hình, liên hệ với người mẫu, nhiếp ảnh gia, mượn đồ, phối đồ…
Đam mê thời trang nên Giang cũng tự may trang phục để mặc. Tất cả kỹ thuật may vá đều do cô tự mày mò, học hỏi từ YouTube và tận dụng lợi thế tiếng Anh để nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài.
Hương Giang những ngày đầu tập tành học may váy cưới
Tốt nghiệp đại học, bố cô xin cho vào làm ở một tờ báo. Làm được 13 ngày, cảm thấy không phù hợp, cô nói với bố: “Chắc con không hợp ở đây”, rồi xin nghỉ việc.
“Bố cũng buồn vì gia đình mình trước giờ là cán bộ công chức. Mẹ mình thì chắc chắn không đồng ý. Bố mẹ chỉ mong mình có công việc ổn định rồi xây dựng gia đình. Mình lao ra kinh doanh, không biết có được ổn định không, lại phải lo nhiều thứ. Tuy vậy, bố vẫn giấu mẹ, dấm dúi cho mình 20 triệu đồng để khởi nghiệp”.
Cầm 20 triệu trong tay, Giang dùng 12 triệu thuê mặt bằng nhỏ nhất trong một khu tổ hợp giải trí của giới trẻ lúc ấy, chỉ có diện tích 8m2. Số tiền còn lại cộng với tiền tiết kiệm riêng, cô để mua vải vóc. Giang bắt đầu may váy áo kiểu bồng bềnh công chúa, phù hợp diện đi tiệc, đi chơi, chụp ảnh cưới…, bán cùng các phụ kiện và bikini. “Lúc ấy đúng nghĩa là mình thích cái gì thì làm cái đó”. Từ váy áo công chúa, Giang chuyển dần sang may váy cưới vì có nhiều khách đặt.
Mỗi chiếc váy lúc ấy, cô bán với giá 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Một mình may không kịp, cô phải thuê thêm 2 thợ nữa may cùng. Nhưng cửa hàng nhỏ, sản phẩm cũng không nhiều mẫu mã nên thu nhập chỉ đủ cho cô chi tiêu và quay vòng, tiếp tục theo đuổi đam mê.
Làm được một thời gian thì khu vực thuê mặt bằng phải đóng cửa, cô tìm được một chỗ khác với giá thuê 10 triệu/tháng. Từ đó, cô có cửa hàng váy cưới đầu tiên.
Thời điểm ấy, thị trường váy cưới thiết kế còn khá mới mẻ, chưa sôi động như bây giờ. Vốn là một tay ngang, Giang cũng kinh doanh theo bản năng, chứ không tính toán gì nhiều. Khi mặt bằng chung chỉ khoảng dưới 10 triệu để thuê một chiếc váy thiết kế thì cửa hàng của Giang đã có chiếc váy đắt nhất là 20 triệu đồng. Khi giới thiệu chiếc váy, đã có khách phản ứng ngay với cô: “Đắt thế! Có phải váy nhập đâu!”
Từ ngày đó tới giờ đã 9 năm, cũng là quãng thời gian Giang nỗ lực không ngừng để tự nâng cấp các sản phẩm của mình. Từ một thương hiệu ít người biết, thiết kế các sản phẩm giá bình dân, bây giờ Giang đã có những sản phẩm cao cấp, có giá thuê lên tới cả trăm triệu đồng.
Không giàu vẫn có thể học thời trang
Với giá cho thuê váy phổ biến từ 10-50 triệu đồng, khách hàng của Giang đa dạng và có nhiều người nổi tiếng trong showbiz cũng như ở các lĩnh vực khác mà cô không tiện nêu tên.
Giang đã có những sản phẩm cao cấp, có giá thuê lên tới cả trăm triệu đồng.
Nhớ lại những ngày mới vào nghề, có một người quen đã hỏi Giang rằng cô học từ đâu mà làm nghề này. Khi biết cô tự học, người này đã nói rằng: “Em phải nói em học thời trang ở Pháp về thì mới bán được”.
“Tính mình thành thật, có sao nói vậy và mình thấy cũng không việc gì phải ‘fake’ (làm giả) một chiếc tiểu sử không phải của mình để khoe mẽ. Và thực tế, dù là kẻ ngoại đạo ban đầu nhưng mình hoàn toàn tự tin về những chiếc váy mà mình làm ra.
Khi có cơ hội ra nước ngoài, mình vẫn vào những ‘showroom’ váy cưới lớn để xem sản phẩm của những nhà mốt cao cấp hàng đầu, tìm mua những chất liệu tương đương ở tận nhà cung cấp của các thương hiệu lớn. Khi nhập được chất liệu chuẩn, lại có thợ lành nghề - người Việt mình rất khéo tay, chỉ cần định hướng đúng là có thể làm ra sản phẩm không kém gì các thương hiệu nước ngoài” - Giang chia sẻ.
Cô tự hào khi thương hiệu váy cưới của mình vừa nắm bắt, cập nhật thường xuyên xu hướng thế giới vừa rất phù hợp với vóc dáng người Việt.
Sau 9 năm làm nghề, thương hiệu váy cưới thiết kế của Giang cũng gặp nhiều khó khăn giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, đặc biệt là thời gian hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, mỗi khi buồn và căng thẳng, cô lại nghĩ tới giây phút khách hàng sử dụng sản phẩm của mình trong giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời, chỉ vậy là đã thấy vui.
Giang nói, con đường khởi nghiệp của cô là một minh chứng cho việc không giàu vẫn có thể học thời trang, khác với quan niệm xưa nay. “Đúng là khi bạn làm bất cứ việc gì, nếu bạn có tiền, mọi thứ sẽ dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Nhưng mình không giàu, bố mẹ cũng không ủng hộ, nên chỉ có thể ‘tự bơi’ thôi. Điều quan trọng nhất là khả năng quan sát và tự học, chủ động tìm kiếm thông tin mình cần. Càng ngày thông tin càng dễ tiếp cận hơn”.
Giang nói, cô không khuyên các bạn trẻ theo đuổi đam mê một cách mù quáng, vì nếu chỉ có đam mê mà không có năng lực thì cũng sẽ khó mà làm được.
“Một khi bạn nhận thấy mình đủ đam mê và đủ khả năng thì bước tiếp theo là hãy làm việc thật sự chăm chỉ, tìm cách tận dụng tất cả những ‘nguồn tài nguyên’ sẵn có mà bạn có thể khai thác được. Nếu bạn không đủ tài chính để thuê ai đó làm công việc bạn cần thì bạn có thể tự học và tự làm. Nguồn tài nguyên sẵn có nhất chính là bản thân bạn, hãy chăm chỉ lên”.
9X khởi nghiệp từ đam mê sưu tầm nước hoa
Theo học ngành thiết kế đồ hoạ nhưng lại mang trong mình niềm đam mê với hương thơm, Tân Trần đã quyết định rẽ hướng kinh doanh nước hoa.
Khởi nghiệp với mô hình khắc gỗ 3D, chàng trai kiếm tiền tỷ mỗi năm
Dưới bàn tay khéo léo của anh Nguyễn Văn Bính, những địa danh, công trình nổi tiếng của Đà Nẵng được tái hiện một cách sinh động trên những thước gỗ.
Chàng trai khởi nghiệp làm nông, chụp ảnh cưới trên vườn bắp cải tự trồng
Đam mê trồng trọt, chàng trai trẻ quyết định từ bỏ con đường đại học khi mới chỉ là sinh viên năm thứ 2 để bắt đầu khởi nghiệp.
Bình luận