Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã.
Trong vụ án này,bàNguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT Công ty AIC cùng Phó Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về các tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Ông Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) bị đề nghị tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) bị đề nghị truy tố với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
30 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
AIC TRÚNG 16 GÓI THẦU, NHÀ NƯỚC THIỆT HẠI HƠN 150 TỶ ĐỒNG
Theo kết luận, Công ty AIC chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hoá từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.
Để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đình Thành và Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái.
Sau khi móc nối được với nhóm lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn chỉ đạo Hoàng Thị Thúy Nga – Phó tổng giám đốc AIC cùng các nhân viên dưới quyền thông đồng, câu kết với chủ đầu tư.
Khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và các kế hoạch đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo thuộc cấp thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, chuẩn bộ hồ sơ của các công ty “quân xanh” để Công ty AIC được trúng thầu.
Sau khi chuẩn bị các bước đệm xong, ông Phan Huy Anh Vũ (đại diện chủ đầu tư) ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được AIC thông đồng với đơn vị thẩm định nâng giá, sử dụng làm căn cứ phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Kết quả, Công ty AIC trúng toàn bộ 16 gói thầu trị giá gần 700 tỷ đồng. Qua việc này, AIC bị cáo buộc thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 150 tỷ đồng.
Kết luận điều tra nêu, trong quá trình tham gia và trúng thầu tại dự án, bà Nhàn đã trực tiếp đưa tiền và chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà đưa ông Trần Đình Thành 6 lần với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; đưa ông Đinh Quốc Thái 14 lần với tổng số 14,5 tỷ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ 6 lần với tổng số tiền 14,8 tỷ đồng vì đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán tại các gói thầu...
Như vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty AIC đã đưa hối lộ hơn 43 tỷ đồng cho quan chức Đồng Nai.
Theo kết luận, bà Nhàn biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính nên đã chỉ đạo kế toán trưởng là Đỗ Văn Sơn điều chỉnh số liệu để bà Nhàn ký báo cáo tài chính các năm 2010-2013 trong hồ ớ dự thầu, cung cấp thông tin không trung thực về năng lực tài chính, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, gian lận trong đấu thầu.
C03 cho rằng bà Nhàn đang bỏ trốn nên cần xử lý nghiêm khắc.
Ngoài ra, theo kết luận điều tra, để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, bà Nhàn đã yêu cầu nhân viên, lãnh đạo chủ chốt xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu chứng cứ.
Tuy nhiên, căn cứ kết quả thu thập tài liệu, phục hồi, trích xuất dữ liệu, lời khai của các nhân viên, sổ tay ghi chép, chứng từ, ài liệu của các công ty “quân xanh” cung cấp, cơ quan điều tra xác định, bà Nhàn là đối tượng chủ mưu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐẶC BIỆT
Bộ Công an cho rằng dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có nguồn vốn ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định. Tuy nhiên, do Công ty AIC trúng thầu nhiều dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương.
Để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các dự án có liên quan, cơ quan điều tra tách phần điều liệu xác minh liên quan đến phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn ngân sách trung ương đẻ điều tra xác minh, làm rõ và xử lý sau.
Cơ quan điều tra cũng kiến nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định.
Quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý. Yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.
Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính như sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan thuế, năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị dự thầu có đủ điều kiệm tham giá gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh”.