Xe tăng của lực lượng Ukraine tại Donetsk (Ảnh: Reuters).
Trả lời Ukrinform, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine, tuyên bố Kiev đã giành lại 40% lãnh thổ Nga kiểm soát sau 24/2/2022 - ngày mà Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Lực lượng vũ trang Ukraine và các thành phần khác của lực lượng phòng thủ đã giải phóng 40% lãnh thổ bị Nga kiểm soát sau ngày 24/2. Việc giành lại vùng hữu ngạn sông Diepner ở Kherson đã nâng tổng diện tích được giải phóng lên 40.000km2. Chỉ tính trong mùa thu, Ukraine giành lại 12.000km2 và khoảng 500 khu định cư trong chiến dịch phản công ở Kharkov, trong khi đó ở hướng Kherson là 6.000km2 và hơn 200 khu định cư", tướng Hromov cho hay.
Ngoài ra, ông cho biết, Ukraine đã giành lại 14.000km2 ở khu vực Chernihiv và Sumy, cũng như 7.000km2 ở bắc Kiev.
Theo tướng Ukraine, Nga dù sở hữu tiềm lực mạnh mẽ và được chuẩn bị trong vài tháng trước khi phát động chiến dịch quân sự, nhưng Moscow hiện mới chỉ đạt được một phần mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donetsk. Mặc dù vậy, Nga cũng đã ngăn Ukraine tiếp cận được biển Azov, lập được hành lang trên bộ từ đất liền Nga tới bán đảo Crimea.
Khi được hỏi về tiềm lực quân sự của Nga vào thời điểm Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Hromov nói: "Vào ngày 23/2/2022, Nga đã chuẩn bị 127.000 quân nhân, gần 1.800 xe tăng, 4.900 phương tiện chiến đấu bọc thép, hơn 1.800 hệ thống pháo và 830 hệ thống tên lửa phóng loạt. Trong khu vực 400km gần biên giới Ukraine, Nga có khoảng 440 máy bay chiến đấu và hơn 500 trực thăng, 11 nhóm chiến thuật của lữ đoàn tên lửa tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander (44 hệ thống phóng). Hạm đội Biển Đen Nga được tăng cường bởi các tàu đổ bộ và pháo binh của Đội tàu Caspi thuộc Quân khu phía Nam và Hạm đội Baltic".
Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11, nhưng viễn cảnh về việc 2 nước chấm dứt giao tranh, nối lại đàm phán vẫn còn khá mơ hồ. Cả Nga và Ukraine đều thể hiện quan điểm khá cứng rắn, không khoan nhượng về điều kiện tiên quyết để nối lại thương lượng.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/12/2022 nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga rằng, Moscow "sẵn sàng đàm phán một số kết quả có thể chấp nhận được với tất cả các bên tham gia quá trình này". Ông nói thêm rằng không phải Nga từ chối đàm phán, mà chính Ukraine và phương Tây mới là bên từ chối.
Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói với hãng tinAPvề hy vọng tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" vào tháng 2, với mục tiêu chấm dứt chiến dịchquân sựcủa Nga. "Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo cách ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc do các hành động trên chiến trường và trên bàn đàm phán", ông Kuleba nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, đàm phán sẽ nối lại nếu Ukraine chấp nhận phi phát xít hóa và phi quân sự hóa và từ bỏ các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga.
Trong khi đó, Ukraine muốn Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine, đối mặt với lệnh trừng phạt, đảm bảo an ninh của Ukraine. Kiev cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ lãnh thổ.
Theo Ukrinform