Đầu năm nay, cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán: DGW) từng rơi thẳng đứng gần 40% sau khi doanh nghiệp mất đi vị thế nhà phân phối độc quyền của thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ mức đáy vào cuối tháng 1, cổ phiếu DGW bật tăng mạnh trở lại gần 80% sau gần 3 tháng, lập đỉnh mới vào giữa tháng 4 trước khi bị điều chỉnh chung theo xu hướng của thị trường thời gian qua.
Diễn biến giá cổ phiếu DGW từ đầu năm đến nay (Ảnh: Tradingview).
Lãi gấp đôi cùng kỳ
Kết quả kinh doanh thực tế trong quý I của Digiworld cho thấy doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng dù thị trường có thêm nhà phân phối điện thoại Xiaomi.
Doanh thu thuần của Digiworld đạt hơn 7.000 tỷ đồng trong quý I, tăng 40% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, hai ngành hàng chủ lực là điện thoại và laptop, máy tínhbảng lần lượt tăng doanh số 37% và 64%.
Theo lý giải của đại diện doanh nghiệp, kết quả trên đến từ việc quý I là mùa cao điểm mua sắm dịp Tết đầu năm, cùng với tâm lý, thu nhập của người tiêu dùng đã ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giai đoạn trước đây. Ngoài ra, thị phần điện thoại của Xiaomi tại thị trường Việt Nam từ vị trí thứ ba với 12,5% vào cuối năm ngoái cũng đã tăng lên vị trí thứ hai, đạt mức 20% trong quý I.
Song song với việc tăng doanh số, công ty cũng kiểm soát các chi phí vận hành theo hướng tối ưu hơn để cải thiện biên lợi nhuận. Nhờ đó, lãi sau thuế của Digiworld tăng trưởng đến 98%, đạt 211 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm.
(Biểu đồ: Việt Đức).
Năm nay, nhà phân phối Xiaomi, Apple đặt mục tiêu doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 800 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty đã vượt mốc 25% kế hoạch.
Trong sự kiện đối thoại với nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Digiworld - tự tin khả năng kiểm soát tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu ở mức thấp, duy trì hiệu quả hoạt động cao chính là lợi thế cạnh tranh của công ty mà các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực phân phối, bán buôn khó có thể làm được.
Song song đó, công ty cũng đang phát triển thêm hoạt động phân phối cho các nhãn hàng và ngành hàng mới, đồng thời không giới hạn ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả buôn xe hơi. "Ô tô là ngành hàng tôi rất yêu thích vì đó là một ngành hàng lớn, chỉ cần chiếm một phần trăm nhỏ cũng đã là con số khổng lồ. Làm hay không thì chưa biết lúc nào nhưng chúng tôi có nghiên cứu", ông Việt trả lời cổ đông.
(Biểu đồ: Việt Đức).
Dòng tiền âm vì tăng hàng tồn kho dự trữ
Dù nhiều chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng thực tế Digiworld vẫn đối diện một số thách thức.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng tiền mặt của công ty giảm mạnh từ gần 1.500 tỷ đồng còn khoảng 500 tỷ đồng chủ yếu do dòng tiền kinh doanh âm. Trong đó, công ty phải dùng lượng tiền mặt hơn 600 tỷ đồng để tăng hàng tồn kho. Chỉ tiêu số ngày hàng tồn kho theo đó cũng tăng cao lên mức 44 ngày. Việc nhập một lượng lớn hàng tồn kho cũng kéo theo các khoản phải trả của công ty tăng mạnh.
Theo ông Việt, việc Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero-Covid, một số thành phố lớn, cảng biển bị phong tỏa khiến thời gian giao hàng từ các nhà cung cấp nước ngoài dài hơn, công ty phải chủ động tăng tồn kho để dự trữ, đảm bảo nguồn hàng...
Tin liên quan
Nhà phân phối xe Mercedes lớn nhất Việt Nam lỗ kỷ lục, tê liệt vì đại dịchNhững công ty Việt trúng lớn, lãi đậm giữa mùa dịch nhờ phân phối iPhone
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc Digiworld tăng lượng hàng tồn kho nhằm giảm bớt bất kỳ sự gián đoạn nào của chuỗi cung ứng có thể dẫn đến chi phí tài chính cao hơn, tác động cuối cùng vẫn là tích cực vì công ty có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu.