Với doanh thu 40 tỷ đồng/năm, chị Nguyễn Thị Hồng được nhiều người dân ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) gọi với biệt danh "nữ tỷ phú nông dân trồng vàng".
Năm 2021, chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980), Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc là một trong 9 người được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nữ nông dân xuất sắc. Nhiều năm nay, chị luôn là một nông dân tiêu biểu, đại diện cho Tp.Hà Nội trong những sự kiện quan trọng. Biệt danh "nữ tỷ phú nông dân" có lẽ xuất phát từ đây.
Theo báo Giao Thông, chị Hồng là người đầu tiên nuôi thành công đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Tiên phong sản xuất đông trùng hạ thảo cordyceps militaris là lợi thế của Thiên Phúc, nhưng điểm nổi bật đưa Thiên Phúc chinh phục được cả thị trường nội địa và quốc tế nằm ở chất lượng.
Theo GS.TS Phạm Văn Ky, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, lượng cordyceps militaris trong đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc chiếm 70% so với lượng cordyceps militaris nguồn Tây Tạng, nhưng cao hơn rất nhiều so với loại của nước khác.
Chị Nguyễn Thị Hồng với sản phẩm đông trùng hạ thảo. Ảnh: báo Giao Thông
Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, chị Hồng đã "lèo lái" Thiên Phúc vượt qua vô vàn khó khăn.
Chị chia sẻ, chị đến với nấm đông trùng hạ thảo như một cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học của trường Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội (năm 2003), ban đầu, chị Nguyễn Thị Hồng định chọn nghiên cứu sâu về nấm linh chi; song, kết quả tìm kiếm tài liệu lại chỉ cho ra đông trùng hạ thảo. Chị Hồng đọc thử và rất ngạc nhiêu trước công dụng mà đông trùng hạ thảo mang đến cho sức khỏe con người nhưng loại đông dược này lại chưa được biết đến nhiều.
Theo báo Phụ nữ Thủ đô, sau 6 năm miệt mài nghiên cứu, khi đã có hiểu biết tương đối đầy đủ về đông trùng hạ thảo, chị chuyển sang thử nghiệm cách nuôi trồng đông dược trên quy mô nhỏ.
Song "vạn sự khởi đầu nan", khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, chị gặp rất nhiều khó khăn, từ công nghệ đến mua con giống đều tự mò mẫm. "Tôi tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, trong công việc, tôi còn phải tiết kiệm hết mức chi phí ăn, ở để dành tiền học.
Thế nhưng, kết quả thu về lại gần như bằng 0. Họ chỉ bán giống cho mình, còn bí quyết nuôi, cấy đông trùng họ không chuyển giao. Bằng những gì đã học lỏm, quay trở về Việt Nam thử nghiệm nuôi cấy với những con giống đầu tiên, tôi thất bại liểng xiểng", chị Hồng nhớ lại.
Một năm sau, cuối cùng dòng nấm đông trùng hạ thảo, hàm lượng hoạt chất sinh học cordycepin 0,37mg/g cũng thành công. Năm 2011, chị đã nâng hàm lượng hoạt chất quý này lên 3,7mg/g, gấp 10 lần so thời điểm khởi nghiệp.
Tưởng chừng sắp đến ngày "hái quả ngọt", nhưng đến năm 2012-2013 lại là chuỗi ngày bi đát nhất của chị khi vay vốn thành lập công ty, đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất đại trà.
Đang làm với quy mô 500 lọ/mẻ, xưởng nâng lên 5.000 lọ/mẻ. Lúc đó, cả vạn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tiền hết, áp lực từ mọi phía đều đổ sập đến, chị Hồng và cộng sự nhốt mình cả tháng không ra khỏi phòng thí nghiệm, chỉ nghĩ làm thế nào để mọc được cây. Thế rồi, mảnh đất cuối cùng của gia đình cũng phải bán để lấy tiền mua giống. Cả nhà chuyển vào ở ngay tại nhà xưởng.
Hàng trăm thử nghiệm được làm liên tiếp, đến khi hết tiền bán đất vẫn chưa tìm được nguyên nhân nấm chết. Đến nỗi, năm 2013, khi đi sinh đứa con thứ 3, không một xu dính túi, gia đình chị phải cắm chiếc xe máy duy nhất.
Năm 2013, tìm được nguyên nhân nấm chết hàng loạt do thói quen ngày hôm nay cấy giống không hết thì để sang ngày sau cấy tiếp, song công ty đã không còn vốn để mở rộng quy mô.
Rồi may mắn cũng đến, khi vào một buổi chiều mùa đông, mọi người đang ủ rơm cho nấm thì có đoàn khách xuất hiện. Qua trò chuyện, nhận thấy sự nhiệt huyết và kiến thức ở chị Hồng, nên đoàn khách quyết định đầu tư không hoàn lại cho xưởng hơn 300 triệu đồng.
Có vốn, Thiên Phúc sống lại và nhanh chóng mở rộng quy mô xưởng sản xuất ở Đà Lạt. Năm 2015, Thiên Phúc chính thức tung các dòng sản phẩm ra thị trường với các chiến lược bán hàng bài bản. Công việc làm ăn suôn sẻ, doanh thu hằng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh việc làm chủ công nghệ, chị Hồng luôn trăn trở làm sao để chủ động nguồn giống chất lượng ngay trong nước thay vì phải mua giống từ nước ngoài. Năm 2017, chị quyết định đi tìm nấm đông trùng hạ thảo ở dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Chị Hồng chia sẻ: Đông trùng hạ thảo là dạng nấm ký sinh trên côn trùng như chủng nấm Cordyceps nutans ký sinh trên bọ xít, Cordyceps militaris ký sinh trên nhộng của các loài sâu, Cordyceps pruinosa ký sinh trên sâu tre, chủng Isaria tenupets ký sinh trên sâu đục thân… Các chủng này thường xuất hiện ở độ cao từ 2.200-2.800m so với mặt nước biển. Với đặc thù khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, hệ thực vật đa dạng, dãy núi Hoàng Liên Sơn khá phù hợp để đông trùng hạ thảo sinh trưởng. Chuyến đi rừng đầu tiên ấy, chị đã tìm được 1 cây nấm duy nhất màu trắng cực hiếm, qua đó khẳng định chị đã đi đúng hướng.
Từ đó, hàng năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10, chị đều cùng các cộng sự vào rừng tìm đông trùng hạ thảo. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 10-15 ngày, không chỉ vất vả vì phải đi bộ mà còn đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ đến vô cùng của người tìm nấm. “Có chuyến đi, sau vài ngày chúng tôi không tìm được một mẫu nấm nào. Có chuyến, cả đoàn chỉ tìm được 1 cây nấm duy nhất. Với nhiều loại dược liệu khác, người dân bản địa còn có thể giúp tìm kiếm nhưng với đông trùng hạ thảo, ngay cả người bản địa cũng không làm được. Loại giống đông trùng hạ thảo mà Công ty sử dụng thường mọc ở dưới tán cây dương sỉ sát mặt rừng đòi hỏi người tìm nấm phải kiên trì lật dở từng mảnh lá nhỏ, xem xét kỹ từng mét đất. Nếu không có đam mê sẽ rất dễ nản và bỏ cuộc”, chị Hồng chia sẻ.
Từ những bước đi chập chững ban đầu, chị Hồng đã mở rộng nhiều lần quy mô nuôi trồng nấm. Đến nay, Thiên Phúc đã mở rộng 2 cơ sở nuôi cấy trên địa bàn huyện Thanh Oai và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000m2, phát triển các điểm trưng bày và 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đơn vị này mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu phôi giống, xuất bán khoảng 30 tấn đông trùng hạ thảo. Trong đó, khoảng 30% được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á.
Minh Hoa (t/h)